Home Blog Page 2

HỌC VIỆN THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Học viện thánh Gioan Thánh Giá (tên viết tắt: STIKAS-SYS – viết tắt của cụm từ tiếng Indonesia Sekolah Tinggi Katolik Seminari Santo Yohanes dari Salib) được thành lập trên ý tưởng của Cha Gioan Indrakusuma, CSE. Cha đồng thời cũng là cha sáng lập dòng Nữ Tử Cát Minh (P. Karm), dòng Cát Minh Thánh Elia (CSE) và Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi (KTM).

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ HỌC VIỆN

Học viện thánh Gioan Thánh Giá được khánh thành vào ngày 24 tháng 3 năm 2014 bởi Khâm Sứ Tòa Thánh tại Indonesia, Đức Giám Mục Antonio Guido Filipazzi cùng với Đức Giám Mục Hieronimus Bumbun, OFM.Cap, Tổng Giám Mục Giáo Phận Pontianak lúc bấy giờ.

Cha Gioan Indrakusuma, CSE – Cha Sáng Lập Học Viện

Học viện này nhận được giấy phép hoạt động từ ban Giáo Dục Công Giáo của Bộ Tôn Giáo nước Cộng Hòa Indonesia và đi vào hoạt động chính thức kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2014.

Tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng Học viện mang được nhiều ưu điểm và nét đặc sắc. Đây là nơi quy tụ nhiều tu sinh đến từ nhiều vùng miền và quốc gia khác nhau như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam. Đội ngũ giảng viên là các thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo trong và ngoài nước.

MỤC ĐÍCH CỦA HỌC VIỆN THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ:

1. Đào tạo các linh mục và các tu sĩ là những “con người của Thiên Chúa” cho công trình truyền giáo của Giáo Hội.

2. Có cái nhìn sâu sắc về đất nước cũng như khơi dậy tinh thần học tập, nâng cao kiến thức thức qua nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

3. Giảng dạy chương trình thần học nhằm tạo ra cách ứng viên linh mục và tu sĩ đầy nhân đức và biết kính sợ Thiên Chúa.

Logo Học Viện Thánh Gioan Thánh Giá

 Châm ngôn của Học Viện Thánh Gioan Thánh Giá:

Deum Amare et Amatum Facere

“Yêu mến Thiên Chúa và làm cho Ngài được yêu mến”

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG CÙNG VỚI THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

NHỮNG BẤT TOÀN CỦA NHỮNG NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

Trên đây là một số đặc điểm của những người mới bắt đầu.

    Nên biết rằng một khi linh hồn đã cương quyết quay về với Thiên Chúa để phụng sự Ngài (những người bắt đầu sám hối và quay trở về cùng Chúa) thì thông thường Thiên Chúa sẽ cho những niềm an ủi về mặt tâm linh khác nào một bà mẹ đầy yêu thương xử sự với đứa con bé bỏng của bà; bà ấp ủ nó trong lòng, nuôi nó bằng thứ sữa ngọt ngào và các thức ăn ngon mềm, đồng thời nâng niu bồng ẵm nó trên tay.

    Tuy nhiên khi nó bắt đầu lớn, người mẹ thôi nựng nịu vuốt ve, không còn tỏ ra dịu dàng âu yếm. Bà bôi lô hội đắng lên núm vú ngọt ngon của bà. Bà không còn bồng ẵm đứa bé nhưng đặt nó xuống đất cho nó tập đi, rồi giúp nó cởi bỏ những chuyện ấu trĩ, và tập quen dần với những cách xử sự trưởng thành hơn và thiết yếu hơn.

     Với ân sủng, Thiên Chúa cũng hành động như một bà mẹ đầy yêu thương. Sau khi cho linh hồn được sinh lại với một lòng nhiệt thành mới mẻ và hăng hái phụng sự Ngài, Thiên Chúa cho nó gặp được dòng sữa tâm linh thơm tho ngọt ngào dễ dàng khi suy gẫm về thực tại thần linh cũng như hết sức thích thú trong mọi việc tâm linh, bởi vì ở đây Thiên Chúa đang xử với linh hồn như với một trẻ sơ sinh và cho nó ngậm cái núm vú tình thương dịu ngọt của Ngài (x. 1Pr 2,2–3).

 Chính vì thế, mà linh hồn :

– Thấy sung sướng với việc cầu nguyện lâu giờ.

– Đôi khi còn thức nhiều đêm để cầu nguyện.

– Lấy việc hãm mình đền tội làm thích thú.

–  Hài lòng với việc chay tịnh.

– Thấy được an ủi khi lãnh các bí tích và dự phần vào các công việc của Chúa.

……………………………………………………………………..

Ở đây, linh hồn tham dự vào những chuyện ấy cách đầy hiệu quả và kiên trì, đồng thời thực hành và lãnh nhận chúng cách chú tâm và cần mẫn, dù vậy, nói về mặt tâm linh, thông thường cách xử sự của các linh hồn này vẫn còn rất yếu nhược và bất toàn.

Động cơ khiến họ chuyên chăm cầu nguyện và thực hành các việc đạo đức thường là do niềm an ủi và sự thích thú chúng mang lại, hơn nữa, vì chưa tập quen với việc chiến đấu mạnh mẽ để đạt được các nhân đức, họ thường phạm phải nhiều lỗi lầm và bất toàn trong các hoạt động tâm linh của họ.

Do chưa có điều kiện để đạt được những thói quen mạnh mẽ, thế nào họ cũng sẽ hành động yếu ớt, khác nào những đứa trẻ ốm yếu.

Bên cạnh thực trạng đó còn có sự kiện là những người mới bắt đầu, do đang hào hứng thích thú, có thể làm được những việc tâm linh cách khá dễ dàng nhưng thực ra vẫn còn thiếu sót rất nhiều trên đường nhân đức. Để giúp thấy rõ cả hai điều ấy, chúng tôi sẽ dựa trên bảy mối tội đầu và nêu lên một vài trong số rất nhiều bất toàn của mỗi mối tội ấy; cũng qua đó người ta sẽ thấy những người mới bắt đầu này đã hành động như trẻ con thế nào. Và người ta cũng sẽ thấy đêm dày mang theo biết bao ơn lành, bởi nó thanh tẩy linh hồn khỏi mọi bất toàn ấy.

Mong rằng khi đã hiểu được tình trạng yếu nhược hiện thời của mình, họ sẽ can đảm và khát khao được Thiên Chúa thanh luyện (đưa vào đêm dày), để qua đó, linh hồn được mạnh mẽ và vững vàng trong các nhân đức và được chuẩn bị sẵn để hưởng những niềm hoan lạc khôn tả của tình yêu Thiên Chúa.

(Tổng hợp từ tác phẩm Đêm Dày của Thánh Gioan Thánh Giá-bản dịch của Nguyễn Uy Nam và Linh Mục Trăng Thập Tự)

Lời bàn:

Với những người mới sám hối quay trở về cùng Thiên Chúa (những người mới bắt đầu), Ngài thường ban cho họ những ơn an ủi thiêng liêng. Đây là những món quà từ Thiên Chúa ban để lôi cuốn và tăng sức họ nhằm lôi kéo về phía Người. Những người này trở nên yêu mến Chúa và mọi sự thuộc về Ngài, đồng thời họ cảm thấy chán ngán mọi sự thế gian.
Họ thường rơi lệ khi cảm nhận đựơc tình yêu Chúa, một là do chính tội lỗi họ, hai là vì quá yêu mến tình yêu Chúa dành cho họ. Cuối cùng sự an ủi thiêng liêng sẽ dẫn họ tăng thêm niềm hy vọng, niềm tin, đức ái và những niềm vui trong tâm hồn, lôi cuốn họ hướng về mọi sự trên thiên đàng.

Tuy nhiên trong giai đoạn này rất cần thiết để phân định thần khí nếu không những người mới bắt đầu này dễ bị ma quỷ lừa dối. Hãy cẩn thận suy xét vì những an ủi thiêng liêng cũng có thể đến từ ma quỷ.

Đáng lẽ phải khiêm nhường vì tất cả những an ủi này không phải do sự thánh thiện của họ nhưng đến từ Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa.

Khóc khi ca ngợi Chúa, chảy nước mắt sau khi rước lễ, khóc khi suy niệm cuộc khổ nạn Chúa Giê-su, đọc kinh nhiều giờ trong ngày không cảm thấy mệt, những giấc mơ… đó là những an ủi thiêng liêng. Nhưng đừng tưởng tượng rằng bạn thánh thiện hơn nhiều vì bạn cảm thấy được những sự yên ủi này. Nhiều người tự hào vì những an ủi này, và chỉ tìm kiếm các hình thức cầu nguyện, việc sùng kính khiến họ vui thích. Họ hăng say đi theo những nhóm, những người mà vẫn cho họ cảm nghiệm những an ủi này. Những dấu lạ điềm thiêng không đảm bảo rằng nó đến từ Thiên Chúa. Ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối – thường dùng những dấu lạ điềm thiêng để lừa dối nhiều người mặc dù họ vẫn luôn nghĩ bản thân đang làm việc cho Thiên Chúa, bản thân đã đạt tới sự thánh thiện. Trong vấn đề này chúng ta cần nhìn vào sự khôn ngoan của “Mẹ giáo hội”. Hội Thánh Công Giáo luôn luôn thận trọng truy xét, thẩm định và đảm bảo để chúng ta có thể đi đúng trong đường lối Chúa. Thiên Chúa thiết lập Hội Thánh Công Giáo để chăn dắt chúng ta. Thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta luôn lắng nghe và vâng phục các vị mục tử, những vị đại diện cho Chúa ở trần gian.

Ví dụ như: cầu nguyện lúc nửa đêm, ăn chay trường…mặc dù những điều này trái với huấn từ Giám Mục và các linh mục sở tại. Nhiều khi những người này còn lên án các vị mục tử vì các Ngài không đồng ý với cách sống của họ… -> Xem quả biết cây. Sự không vâng phục, không khiêm nhường đủ để kết luận điều đó không đến từ Thiên Chúa.

Thật là sai lầm với ý nghĩ đó vì sự thánh thiện thực sự hệ tại ở đức khiêm nhường và tình yêu. Sự thánh thiện là làm theo thánh ý Thiên Chúa. Mà Thánh ý Thiên Chúa được đặt để trong Lời Chúa, qua giáo lý và lời dạy của giáo hội, qua các vị mục tử mà Chúa đã đặt để để dẫn dắt chúng ta trong hành trình về quê Trời.

Thánh Gioan Thánh Giá chỉ dẫn cho chúng ta một cách rất chi tiết về đặc điểm của những người mới bắt đầu, những thiếu sót có trong 7 mối tối đầu mà chúng tôi sẽ bàn tới trong những bài tiếp theo. Hy vọng qua những chỉ dẫn này chúng ta sẽ càng nhận rõ tình trạng của bản thân để rồi chúng ta biết cách điều chỉnh, biết cách thay đổi, qua đó sẽ ngày càng tiến bộ hơn trong đời sống thiêng liêng.

“Nhận biết bản thân giúp chúng ta quỳ gối trong sự khiêm nhường”.

-Mẹ Tê-rê-sa Calcutta-

ÊLIA, VỊ ẨN SĨ ĐẦU TIÊN

Ngôn sứ Êlia xuất hiện trong Thánh Kinh như một người của Thiên Chúa. Êlia luôn đứng trước nhan Thiên Chúa, đầy nhiệt thành chiến đấu cho việc thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất và chân thật. Ông bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa trong cuộc thách thức lừng danh trên núi Cát Minh.

Ngôn sứ Êlia xuất hiện vào thời vua A-kháp trong thế kỉ IX trước CN. Vua A-kháp cưới công Chúa Ideven, ái nữ vua Xi-đôn. Triều đại vua này đem đến cho Israel những năm tháng thịnh vượng và vinh quang về mặt quân sự. Nhưng đỉnh cao danh vọng này lại làm phát sinh một cuộc khủng hoảng đức tin. Hoàng hậu Ideven là một người ngoại giáo, đã công khai xây đền thờ cho Ba-al và lôi kéo dân chúng đi vào con đương lầm lạc thờ lạy ngẫu tượng.

Ngôn sứ Êlia là con trai Sabkha, sinh ở thành Titbe. Sau đó Êlia cư ngụ ở thành Galaat, nơi được đặt ở núi Galaat và giống tất cả các vùng xung quanh vùng núi đó ở bên kia sông Gio-đan. Cái tên Êlia có nghĩa là: Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi. Thành Titbe là vùng nghèo và ở xa ảnh hưởng mới, nên vẫn trung thành với lòng tin của họ.

Ngôn sứ Êlia một mình đương đầu với dân tộc mình, cả một đám dân bất trung và chối bỏ Thiên Chúa. Ông cảm thấy có trách nhiệm bênh vực Thiên Chúa và đã hành động mà không cần chờ có người ra tay trước. Sách Huấn ca nói về Êlia: “Tiên tri Êlia xuất hiện như lửa, lời của ông bừng cháy như một ngọn đuốc” (Hc 48, 1). Với ngọn lửa này, dân Israel tìm thấy con đường mình đi đến với Thiên Chúa.

Mục tiêu sống ẩn tu

Ngôn sứ Êlia được nhìn nhận như là người sáng lập lối sống ẩn tu, và được coi như người sáng lập và người cha tinh thần của Dòng Cát Minh. Ông là người đầu tiên bắt đầu cách sống thánh thiện cổ xưa này. Êlia đã dành phần lớn cuộc đời của mình sống trong thinh lặng và cô tịch trước nhan Thiên Chúa, sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Với ơn soi sáng và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Êlia bắt đầu thực hiện kế hoạch để đưa bản thân ra ngoài, tránh xa sự dính dáng với con người, ẩn mình trong hoang địa, xa sự ồn ào thế gian và sống như một ẩn sĩ theo chỉ dẫn của Thiên Chúa.

Tại suối Cơ-rít :

Có lời Ðức Chúa phán với ông như sau: “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.” Ông ra đi và làm như Ðức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; rồi buổi chiều, cũng mang bánh và thịt cho ông. Ông uống nước suối. (1 V 17, 2-6)

Chúa Thánh Thần thúc đẩy Êlia để thực hiện nhiệm vụ thánh này và tăng sức cho ông thêm mạnh mẽ để có thể hoàn thành nhiệm vụ đó. Đây không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa ẩn dấu trong đó.

Lối sống ẩn tu được đề cập ở trên có mục đích kép.

Mục tiêu thứ nhất là dâng lên Thiên Chúa một con tim thanh khiết và tự do khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Mục tiêu này chúng ta có thể đạt được nhờ ơn trợ giúp và ân sủng của Thiên Chúa, nếu chúng ta cố gắng với hết cả sức lực rèn luyện bản thân trong các nhân đức. Chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta trở nên hoàn thiện và ẩn mình ở thung lũng Cơ-rít, nghĩa là ở trong tình yêu bởi vì bậc khôn ngoan nói rằng: “Tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm.” (Cn 10,12b). Thiên Chúa muốn chúng ta đạt được mục tiêu nói trên khi Ngài phán với Êlia: Hãy ẩn mình bên bờ suối Cơ-rít.

Mục tiêu thứ hai chỉ có thể đạt được nhờ ân sủng từ Thiên Chúa, đó là ngay từ cuộc sống trên trần gian này, nhờ vào Chúa Thánh Thần chúng ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa đồng thời cảm nếm sự ngọt ngào của vinh quang thiên đàng. Chúng ta được nuôi ăn và được uống nước từ nguồn suối tuyệt hảo của Thiên Chúa. Thiên Chúa hứa với Êlia: ”Ngươi sẽ uống nước suối”.

Để có thể đạt được mục tiêu kép nói trên các ẩn sĩ phải đi theo cách sống cô tịch ẩn dật như lời Thánh Vịnh:

“Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ,

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,

để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.”

(Tv 63, 2-3)

Qua lời Chúa phán với Ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa cũng muốn nói với chúng ta những người muốn bước theo lối sống ẩn dật trong thinh lặng và cô tịch. Để có thể đạt tới mục tiêu cao vời ở trên, chúng ta cần suy ngẫm những điều Chúa phán với Êlia với hết cả trái tim và thực hiện nó trong hành động cụ thể.

 “Ngươi hãy bỏ đây” nghĩa là làm bản thân tránh xa những thứ thuộc về thế gian mỏng dòn, mau qua và chỉ có tính tạm bợ này.

”Đi về phía đông” – là chống lại ước muốn xác thịt (ước muốn vô trật tự của cái tôi ích kỉ).

“Ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít” nghĩa là đừng dừng lại ở giữa sự ồn ào của thành phố.

“Phía đông sông Gio-đan” – là ước muốn tình yêu như bức tường thành chia tách bạn khỏi tội lỗi.

Qua 4 giai đoạn này chúng ta có thể đạt tới đỉnh cao của bậc hoàn thiện như điều Chúa hứa “Ngươi sẽ uống nước suối”

Các ẩn sĩ núi Cát Minh và các thánh dòng Cát Minh là những người bước theo Êlia đã đạt tới mục tiêu cao vời đó. Họ đã nhúng môi vào và đã kín múc từ nguồn suối ngọt ngào của Thiên Chúa. Họ cũng mời gọi chúng ta bước theo ngôn sứ Êlia để cũng có thể cảm nếm được sự ngọt ngào của vinh quang Thiên Đàng và luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU- BÀI 14

0

SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN

Sức mạnh của lời cầu nguyện thực sự đáng kinh ngạc. Cầu nguyện giống như một nữ hoàng, người có thể tự do xuất hiện trước mặt vua, có thể nhận được bất cứ thứ gì mình yêu cầu. Để đảm bảo rằng những lời cầu nguyện sẽ được lắng nghe, không cần thiết phải đưa ra những lời cầu nguyện được soạn vẽ một cách bay bổng đặc biệt khi gặp đức vua – nếu quả thật như vậy, thì thật sự đáng thương cho tôi.

Ngoài những lời cầu nguyện chính thức (kinh nguyện hàng ngày của Giáo hội) là niềm vui hàng ngày, tôi không dám tìm kiếm những lời cầu nguyện hoa mỹ trong sách cầu nguyện. Các lời cầu nguyện nếu được tổng hợp lại sẽ quá nhiều và khiến tôi đau đầu. Nhận thức được việc tôi không thể cầu nguyện với tất cả các lời nguyện ấy hoặc chỉ một phần nhỏ trong tổng số đó, nên tôi hành động như một đứa trẻ không biết đọc – tôi chỉ nói với Chúa những gì tôi muốn nói, rất đơn giản, và không bao giờ gây cho Ngài khó hiểu về những gì tôi muốn nói.

Đối với tôi, lời cầu nguyện là nâng con tim, hướng mắt lên trời, là lời tạ ơn với tình yêu trong lúc khó khăn cũng như khi an vui. Nó là một cái gì đó cao quý, một cái gì đó vượt lên trên tự nhiên, nó giúp linh hồn mở rộng và kết hợp với Thiên Chúa.

Khi tâm hồn tôi khô cằn đến nỗi không có ý nghĩ tốt nào đến với tôi, tôi từ tốn lặp lại Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, là những lời kinh an ủi tôi khá nhiều và nuôi dưỡng tâm hồn tôi.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 13

0

SỰ LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG CỦA MỘT LINH HỒN

Những thay đổi mà một linh hồn phải trải qua hàng ngày đôi khi thật đáng kinh ngạc. Một người nói với tôi: “Chị làm vậy là tốt, vì ngày hôm qua chị đã nghiêm khắc với em. Lúc đầu em rất tức giận, nhưng sau khi nghĩ lại, em biết rằng chị đã đúng. Em để cho chị nghĩ rằng mối quan hệ của chúng ta đã chấm hết. Và em quyết tâm không còn nói chuyện với chị nữa. Nhưng em biết rằng lời thì thầm đó là một sự cám dỗ và em cảm thấy chị đang cầu nguyện cho em. Em bình tĩnh lại, ánh sáng bắt đầu chiếu sáng và em đã đón nhận tất cả những gì chị nói”.

Khi niềm vui tràn ngập trong lòng, tôi vội dọn món ăn bớt đắng hơn (được hiểu là: khiển trách không quá nghiêm khắc nữa). Nhưng ngay sau đó tôi biết được rằng tôi không được đi quá trớn. Một lời nói có thể phá hủy cả một công trình được dựng lên bằng nhiều giọt nước mắt. Nếu tôi thốt ra một từ có vẻ làm dịu đi sự khắc nghiệt của sự thật ngày trước, tôi thấy rằng đối tượng đang cố gắng lạm dụng cơ hội khi tôi bắt đầu sử dụng những từ ngữ nhẹ nhàng.

Vì vậy, tôi chuyển sang cầu nguyện. Hướng về Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, tôi chắc chắn chiến thắng. Tất cả sức mạnh của tôi nằm ở sự cầu nguyện và hy sinh, nó là vũ khí bất khả chiến bại của tôi, và kinh nghiệm đã dạy tôi rằng trái tim dễ bị chinh phục bởi lời cầu nguyện và sự hy sinh hơn là lời nói.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 12

0

SỰ HƯỚNG DẪN CỨNG RẮN

Tôi có được sự hiểu biết thông qua việc hướng dẫn người khác. Tôi nhận ra rằng tất cả các linh hồn ít nhiều đều có sự đấu tranh giống nhau, nhưng không có hai linh hồn nào hoàn toàn giống nhau. Mỗi linh hồn phải được đối xử theo một cách khác nhau. Với linh hồn này, tôi hạ mình xuống, thừa nhận những nỗ lực và thất bại của bản thân. Bằng cách này, sẽ giúp họ giảm bớt khó khăn trong việc thừa nhận lỗi lầm và được an ủi khi thấy rằng tôi hiểu những khó khăn của họ từ kinh nghiệm của chính mình.

Khi đối mặt với linh hồn khác, hy vọng thành công duy nhất nằm ở sự quyết đoán và không bao giờ rút lại những gì tôi đã nói, bởi vì khiêm nhường có thể được coi là hèn yếu.

Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng để không ngại đối mặt với xung đột, để làm công việc cho dù khó khăn thế nào. Đã hơn một lần những em tôi hướng dẫn nói với tôi rằng “Nếu chị muốn gây ảnh hưởng lên em, chị phải đối xử với em một cách nhẹ nhàng, chị sẽ chẳng đạt được gì bằng sự khắc nghiệt.”

Nhưng người trong cuộc không thể nhìn rõ vấn đề. Trong quá trình phẫu thuật đau đớn, chắc chắn một đứa trẻ sẽ la hét và nói rằng việc điều trị còn đau đớn hơn là cơn bệnh. Tuy nhiên, cậu bé sẽ vui mừng biết bao, nếu cậu bé được chữa lành và có thể chạy chơi đùa. Chẳng mấy chốc mà tâm hồn nhận ra rằng một chút cay đắng sẽ hữu ích hơn là sự ngọt ngào quá trớn.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 11

0

KHUYÊN NHỦ THA NHÂN

Về lý thuyết, có vẻ dễ dàng khi ta làm những việc tốt lành để giúp đỡ các linh hồn, giúp họ yêu mến Thiên Chúa hơn và uốn nắn họ theo hình ảnh của chính họ. Nhưng nếu chúng ta bắt tay vào công việc, chúng ta sớm nhận ra rằng nếu không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta không thể làm điều gì mưu ích cho họ, kkhó như việc ép buộc mặt trời phải mọc lên sau khi đã lặn.

Những sở thích và ý tưởng riêng của chúng ta phải được gạt sang một bên và trong khi quên mình, chúng ta phải dẫn dắt các linh hồn không phải theo cách riêng của chúng ta, nhưng theo một con đường cụ thể do chính Thiên Chúa bày tỏ. Nhưng khó khăn chính không nằm ở đây. Điều khó nhất là buộc phải nhận ra những sai lầm của chúng ta, những khuyết điểm nhỏ nhất của chúng ta và chiến đấu chống lại những điều này.

Phúc cho linh hồn nào đạt được điều đó, – từ giây phút tôi phó mình trong vòng tay của Chúa Giêsu – tôi đã giống như người canh gác trên ngọn tháp cao nhất của một pháo đài. Không có gì thoát khỏi tầm nhìn của tôi. Theo tôi nghĩ thì tiên tri Giô-na có thể được dung thứ khi ông lẩn tránh Đức Chúa và không muốn báo trước về sự diệt vong của thành Ni-ni-vê.

Thà bị quở trách ngàn lần còn hơn quở trách người khác một lần, nhưng quả thực nhiệm vụ này làm đau lòng tôi, bởi nếu nói theo cảm tính, những linh hồn phạm lỗi sẽ không hiểu rằng mình có tội.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 10

0

ĐỐI DIỆN VỚI SỰ CHẾT KHI CÒN TRẺ

Đối với tôi, dường như không có gì ngăn cản tôi tiến về thiên đàng. Tôi không còn ham muốn gì nữa, ngoài việc yêu cho đến chết vì yêu. Tôi tự do, và tôi không sợ gì cả, thậm chí tôi chẳng còn sợ một điều đã từng làm tôi lo lắng hơn cả: đó là một căn bệnh cũ sẽ đè nặng lên tôi và là gánh nặng cho cộng đoàn.

Nếu điều này làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì tôi sẵn sàng và cảm thấy rất vui khi phải trải qua đau khổ về thể xác cũng như tinh thần trong nhiều năm. Tôi không trốn tránh việc sống lâu: Tôi sẽ chiến đấu. Chúa là tảng đá để tôi đứng lên “là Đấng dạy tôi nên người thiện chiến, luyện thành tay võ nghệ cao cường. Ngài là thành trì bảo vệ là Đấng tôi trông cậy”(Tv 144,1-2).

Tôi chưa bao giờ cầu xin Chúa cho tôi chết trẻ, nhưng tôi luôn nghĩ rằng ân sủng này sẽ được ban cho tôi.

Thường thì Thiên Chúa hài lòng với chúng ta khi chúng ta khao khát được làm việc vì vinh quang của Ngài, và tôi cũng mong muốn làm như vậy biết bao.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 9

0

ĐÊM TỐI TÂM LINH

Có lẽ bạn nghĩ rằng tôi nói quá lên về đêm tối tâm linh của tôi. Nếu ai đó đánh giá bài thơ tôi sáng tác trong năm nay, có vẻ như tôi đang tràn ngập niềm an ủi, rằng tôi là một đứa trẻ mà bức màn đức tin gần như đã được gỡ bỏ. Nhưng đây không phải là một bức màn che nó là một bức tường vươn lên tận trời cao, che đi bầu trời đầy sao.

Khi tôi cất lên những câu hát về niềm vui của thiên đàng và có Thiên Chúa làm gia sản đời đời, lúc đó tôi không cảm thấy niềm vui nào. Tôi hát những gì tôi muốn tin. Đôi khi, tôi thừa nhận rằng có tia sáng mặt trời mờ ảo xuyên qua đêm đen, và điều này mang lại cảm giác nhẹ nhõm nhất thời, nhưng sau khi nó trôi qua, ký ức về sự kiện này không làm tôi cảm thấy được an ủi, mà làm cho đêm tối ngày càng tối đen.

Mặc dù vậy, đây chính là lúc tôi cảm nghiệm được đầy đủ hơn sự ngọt ngào và lòng thương xót của Chúa. Tôi chắc rằng Ngài đã không trao cho tôi thập giá nặng nề này, nếu nó làm tôi nản lòng, nhưng Ngài đã chọn một thời điểm mà tôi có thể vác nó. Bây giờ thập giá chỉ đơn giản là lấy đi khỏi tôi tất cả sự thỏa mãn xác thịt để thêm nhớ nhung về thiên đàng.

TĨNH TÂM

0
  • Tĩnh tâm là gì?

Tĩnh tâm có nghĩa là hồi tâm, lắng đọng tâm hồn, tách mình khỏi những bận rộn bên ngoài, để đi sâu vào mối tương quan mật thiết với Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ngài và các vấn đề thiêng liêng. Trong tĩnh tâm, tâm hồn tìm đến sự tĩnh mịch để chỉ ở một mình với Thiên Chúa.

  • Tại sao lại cần tĩnh tâm ?

Tĩnh tâm cần thiết cho những Ki-tô hữu muốn đạt đến sự hoàn thiện. Không có tĩnh tâm, chúng ta sẽ rất khó để lớn lên trong đàng nhân đức. Tĩnh tâm là con đường ngắn nhất giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn.

  • Các chuyên đề tĩnh tâm của nhà dòng:

1) Tĩnh tâm khai tâm

2) Chữa lành nội tâm

3) Từ bỏ những thói hư tật xấu

4) Theo gương Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su

5) Thánh Thể – Bí tích chữa lành

6) Thiên Chúa Quan Phòng

7) Sùng Kính Mẹ Maria

8) Kinh Thánh – Lời Hằng Sống (Phần 1)

9) Kinh Thánh – Lời Hằng Sống (Phần 2)

10) Các đặc sủng của Chúa Thánh Thần

11) Chúa Thánh Thần