Home Blog Page 3

HỌC VIỆN SHANTI BUAHNA

HỌC VIỆN SHANTI BUAHNA

Giới thiệu sơ lược

Học Viện Shanti Bhuana là một cơ sở giáo dục được thành lập bởi dòng Nữ Tử Cát Minh và dòng Cát Minh Thánh Elia, dưới sự quản lý của Hội đồng Quản trị Học viện Thánh Gioan Thánh Giá. Học viện là thành viên trực thuộc bộ giáo dục và đào tạo Indonesia. Ngày 20 tháng 7 năm 2016, Hội đồng Quản trị Học viện Shanti Bhuana chính thức được cấp giấy phép hoạt động thông qua Nghị định của Bộ Trưởng Bộ Nghiên Cứu, Công Nghệ và Giáo Dục Đại Học Nước Cộng Hòa Indonesia Số 220 / KPT / I / 2016. Chương trình đào tạo chú trọng vào các ngành Nghiên cứu Quản lý, và các ngành Nghiên cứu Khởi nghiệp.

Tầm nhìn và sứ vụ

Logo Trường

Tầm nhìn

Trở thành trường đại học với những mục tiêu như: Giáo dục tình yêu quê hương đất nước, sự chính trực, tính chuyên nghiệp và văn hóa Amare (Văn Hóa Yêu Thương).

Châm ngôn

Deum Amare Et Amatum Facere

“Yêu mến Thiên Chúa và làm cho Người được yêu mến”

Sứ vụ

  1. Đạo tạo ra những con người yêu quê hương đất nước, giàu bản sắc dân tộc, có tinh thần dân tộc cao, chuyên nghiệp, sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực của mình, chú trọng vận dụng kiến ​​thức kỷ luật, đức tin sâu sắc, đạo đức, sống liêm chính trong xã hội.
  2. Đào tạo ra các nhân tài đáng tin cậy và hữu ích cho cộng đồng: thông minh, có kỹ năng, hòa nhập, sáng tạo, kỷ luật, lịch sự, trung thực, có trách nhiệm và có thể làm việc cùng nhau.
  3. Thực hiện các chỉ tiêu của trường Thần Học, cụ thể về lĩnh vực: giáo dục, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng và văn hóa yêu thương với định hướng phát triển phúc lợi cộng đồng; sử dụng khoa học và công nghệ thích hợp để tạo ra sự phát triển bền vững cho quốc gia.
  4. Thực hiện và quảng bá Văn Hóa Yêu Thương để chống lại sự bất công, văn hóa bạo lực thù ghét và chia rẽ.

Mục Đích của Học Viện

  1. Giữ gìn, bồi đắp và nâng cao tầm hiểu biết dân tộc và tình yêu quê hương đất nước bằng cách noi gương những lý tưởng cao đẹp của các vị sáng lập quốc gia; niềm tự hào về nền văn hóa, sự đa dạng, phong phú và giàu có của đất nước.
  2. Đào tạo ra những nhân tài trí thức có phẩm chất đạo đức và có khả năng đương đầu cao dựa trên các nguyên tắc đạo đức, văn hóa hòa bình và đức tin sâu sắc.
  3. Xoá bỏ sự lạc hậu, nghèo đói, thiếu hiểu biết của cộng đồng thông qua việc thực hiện các mục tiêu chính của trường.
  4. Làm cho Văn Hóa Yêu Thương trở thành một giá trị được áp dụng một cách bền vững và lan truyền tới mọi cộng đồng giáo dục và cựu sinh viên của nhà trường.

Chương trình giảng dạy

Toàn bộ chương trình giảng dạy của nhà trường đều thấm nhuần tinh thần: vì người nghèo, vì sự nghiệp, vì sự phát triển bền vững và vì môi trường.

Chương trình giảng dạy được thiết lập nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên trong lĩnh vực phục hồi kinh tế quốc gia, và chăm lo an sinh xã hội.

Các chuyên nghành đào tạo

  1. Chuyên ngành quản lý

Ngành Nghiên cứu Quản lý có ba trọng tâm, đó là Quản lý Tài chính và khả năng phục hồi kinh tế, Quản lý con người và phục hồi xã hội, Quản lý tiếp thị và phục hồi sinh thái.

  1. Chuyên ngành nghiên cứu khởi nghiệp

Ngành Nghiên cứu Khởi nghiệp có hai trọng tâm, đó là Kinh doanh Du lịch – Phục Hồi Sinh Thái, và Kinh doanh Công nghiệp Sáng tạo – Phục hồi Kinh tế.

  1. Chuyên ngành công nghệ thông tin

Chuyên ngành hướng tới một cộng đồng chuyên nghiệp trong việc ứng dụng Công Nghệ Thông tin, hầu đáp ứng nhu cầu của thời đại và thấm nhuần các giá trị đạo đức, với định hướng vì người nghèo, vì sự phát triển và vì môi trường.

  1. Chuyên ngành đào tạo giáo viên và trường tiểu học

Ngành Nghiên cứu Giáo Dục dành cho Giáo Viên và Tiểu Học nhằm hướng tới một cộng đồng mang tinh thần đam mê học tập và giáo dục đúng phương pháp, đúng chỉ tiêu, đúng năng lực và tràn đầy niêm vui.

Trong chương trình giáo dục, nhà trường không chỉ nhằm nâng cao trí tuệ mà còn cả đức tin và nhân bản.

Các hoạt động của Sinh Viên

1- Nhóm sáng tạo của sinh viên

2- Huynh đoàn Chúa Ba Ngôi

3- Vườn hữu cơ

4- Thủy canh

5- Thủ công mỹ nghệ

6- Bóng chuyền, cầu vợt

7- Nhiếp ảnh

8- Ban nhạc

9- Nghệ thuật múa

10- Nghệ thuật âm nhạc

11- Ngoại ngữ (Tiếng Anh)

12- Viết tạp chí

13- Chương trình tập tục, văn hóa

14- Hướng dẫn tư vấn tâm lý và đồng hành thiêng liêng

15- Đơn vị dịch vụ y tế

16- Nghề nghiệp và cựu sinh viên

Nhà Nguyện Học Viện Shanti Bhuana
  • Địa chỉ: Số.1 Bengkayang 79211 Kalimantan Barat Indonesia
  • Website: www.shantibhuana.ac.id
  • SĐT: (+62) 822 5152 6665
  • Email: admin@shantibhuana.ac.id
  • Giờ làm việc: Thứ 2 – Thứ 6, 07:30 – 16:00

Chi Nhánh Đan Viện Cát Minh Bandol, Kalimantan, Miền Bắc Indonesia

0

Chi nhánh Bandol của nhà dòng tọa lạc tại đảo Kalimantan, thuộc phía Bắc Indonesia. Chi nhánh này được thành lập với mục đích đào sâu kiến thức thần học và triết học không chỉ cho các tu sĩ nam nữ mà còn cho giáo dân. Trường thần học thuộc Đại Chủng Viện Thánh Gioan Thánh Giá bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010 với đội ngủ giảng viên là các tiến sĩ và thạc sĩ của nhà dòng đã tốt nghiệp từ các trường danh tiếng ở Indonesia và Roma. Ngoài ra, tòa nhà tĩnh tâm Cát Minh cùng song song đi vào hoạt động với nhà trường trong sự cộng tác chặt chẽ giữa các giảng viên, sinh viên và các tu sĩ trường thần học. Điều này tạo nên một nét đặc sắc và mang thêm nhiều trãi nghiệm cho các giảng viên cũng như sinh viên trong công tác mục vụ và loan truyền Tin Mừng.

Quang cảnh chung chi nhánh Đan Viện Cát Minh ở Bandol, Kalimantan Barat, Indonesia

Ghé thăm Nhà Tĩnh Tâm Thung Lũng Cát Minh, Đan Viện Shanti Bhuana và Cộng Đoàn Hoang Mạc của Nhà Dòng

0

Nhà tĩnh tâm đan viện tọa lạc tại khu thung lũng Cikanyere của thành phố Cianjur, Indonesia. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, không gian yên tĩnh và khung cảnh nên thơ với núi đồi, nhiều cây cối, hoa trái, nơi đây rất thích hợp cho việc tĩnh tâm. Nằm ở không xa khu tĩnh tâm là đan viện chính của các quý cha, quý thầy dòng CSE và cộng đoàn hoang mạc. Cộng đoàn hoang mạc của nhà dòng đặc biệt đem lại sức hút mãnh liệt bởi sự yên tĩnh tuyệt đối trong đời sống cô tịch của các ẩn sĩ. Họ là những người ngày đêm đắm mình vào chay tịnh và cầu nguyện, đặc biệt là hy sinh hãm mình và cầu nguyện cho công trình mục vụ giáo dân của anh chị em trong nhà dòng nơi cộng đoàn căn bản.

Quang cảnh chung của nhà dòng

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 8

0

SỐNG ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH

Những nét phác họa về những đau khổ mà tôi đang trải qua rất khác xa so với thực tế. Như một bản phác thảo thô sơ khác xa so với vật thật. Nhưng nếu viết quá nhiều thì tôi e rằng sẽ dẫn đến sự báng bổ……, ngay cả bây giờ có lẽ rằng tôi cũng đã nói quá nhiều lời. Xin Thiên Chúa tha thứ cho tôi! Người biết rằng tôi đang cố gắng sống đức tin mặc dù chẳng cảm thấy một sự an ủi nào cả.

Suốt năm qua tôi đã sống đức tin tốt hơn so với quãng đời còn lại của tôi. Bất cứ lúc nào kẻ thù của tôi muốn khơi chiến, tôi cố gắng cư xử như một người lính. Nhận thức rằng đánh đấm là thái độ của một kẻ hèn nhát, vì thế tôi quay mặt đi và thưa cùng Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc tôi rằng, tôi sẵn sàng đổ máu để làm bằng chứng cho niềm tin của tôi vào thiên đàng.

Tôi thưa cùng Người rằng nếu Người muốn mở cửa thiên đàng mãi mãi cho những tội nhân đáng thương không có niềm tin, thì tôi vui lòng hy sinh trọn cuộc đời tôi mà không cần hưởng nếm niềm vui ngọt ngào khi nghĩ đến quê trời đang chờ đợi tôi. Do đó mặc dù thử thách này cướp đi cảm giác hạnh phúc của tôi, thì tôi vẫn có thể thưa lên:

“Lạy CHÚA, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ, thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên” (Tv 92,5). Lạy Chúa, còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn cho bằng chịu đau khổ vì tình yêu dành cho Ngài? Giả như Ngài không biết đến nỗi đau của con, cho dù điều này là không thật, thì con vẫn hạnh phúc chịu đựng tất cả với niềm trông cậy rằng những giọt nước mắt của con có thể làm chặn đứng một tội nghịch với đức tin.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 7

0

THỬ THÁCH ĐỨC TIN

Từ khi còn nhỏ, tôi đã tin rằng đến một ngày tôi sẽ được giải thoát khỏi thung lũng tối tăm này. Tôi tin không chỉ vì những gì tôi được nghe, nhưng còn vì nỗi khát mong mãnh liệt nơi con tim, làm tôi đoan chắc rằng có một vùng đất vĩnh cửu khác rất đỗi xinh đẹp.

Tôi như Christopher Columbus với sự lỗi lạc của ông đã giúp ông khám phá ra một thế giới mới. Tuy nhiên bất ngờ những áng sương mù buồn thảm bao phủ quanh tôi và len lỏi vào trái tim tôi. Điều này làm tôi trở nên như kẻ mù lòa đến nỗi không thể vẽ nên ngôi nhà được hứa hẹn dành cho tôi… Mọi sự trở nên mờ ảo.

Nếu con tim tôi, bị yếu nhược vì đêm dày, nỗ lực để bình tâm và tìm kiếm sức mạnh khi suy nghĩ về đời sống vĩnh cửu mai sau, thì nó như mạnh mẽ lên. Đối với tôi, dường nghe đêm dày đang rên rỉ chế giễu, bắt chước giọng nói của một kẻ không có đức tin, “Mày đang mơ về một vùng đất tràn ngập ánh sáng, mày tin rằng Đấng Tạo Hóa Càn Khôn sẽ trở thành gia nghiệp của mày mãi mãi, mày cho rằng một ngày nọ mày sẽ thoát khỏi thung lũng sương mù khiến mày uể oải.”

Hãy hy vọng đi! Hãy hy vọng đi! Điều này không cho mày những gì mày hy vọng, nhưng chỉ làm cho đêm dày thêm dày đặc mà thôi – một đêm dày mịt mù!

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 6

0

CHIA SẺ NỖI ĐAU VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN

Tôi giả tưởng rằng tôi sinh ra ở một đất nước có sương mù dày đặc – và tôi chưa bao giờ nhìn thấy thiên nhiên khoe sắc và cũng chẳng phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ. Ngay từ lúc nhỏ, tôi đã nghe những chuyện như vậy và cũng được dạy cho biết rằng đất nước tôi sống không phải là quê nhà đích thực, có một vùng đất khác mà tôi phải luôn thao thức về nó. Đây không phải là một câu chuyện được thêu dệt bởi một cư dân của xứ sở sương mù nhằm luôn cuốn người nghe. Đây là sự thật không thể nghi ngờ vì vị vua của vùng đất đó, vùng đất được bao phủ bởi ánh mặt trời đã đến và sống 30 năm trong thung lũng bóng tối. Đó không phải là một vị vua ủ rũ buồn sầu, nhưng đáng thương thay “bóng tối đã không nhận biết rằng Người là ánh sáng cho nhân loại” (Xem Gioan chương 1)

Nhưng lạy Chúa Giê-su, con vững tin rằng Ngài là ánh sáng. Con xin Ngài tha thứ cho những ai không tin và con muốn ăn năn đền tội bao lâu Ngài muốn. Vì tình yêu dành cho Ngài, con thực lòng thống hối về những sai phạm của những tội nhân đáng thương không tin tưởng nơi Ngài. Con sẽ không dừng lại cho đến khi Ngài ra hiệu. Chẳng lẽ con lại không thể nhân danh con và nhân danh những kẻ không tin mà kêu lên rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18,13)

Con nguyện xin cho tất cả những ai không đón nhận ánh sáng đức tin cuối cùng cũng sẽ gặp được nguồn sáng. Nếu ai đó yêu mến Ngài mà cần phải ăn năn đền tội, thì con muốn được ăn năn đền tội cho đến khi Ngài mang con vào vương quốc ánh sáng. Chỉ một ước nguyện con xin là đừng bao giờ để con làm buồn lòng Ngài.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 5

0

Đêm dày – Thử thách trong cơn đau bệnh cuối cùng

Nếu tôi trở về tu phòng trong trong một trạng thái hạnh phúc như đêm trước, như khi Chúa Giê-su đã cho tôi cùng một tín hiệu để bước vào sự sống vĩnh cửu ngay lập tức, thì tâm hồn tôi sẽ tràn ngập niềm vui và tôi sẽ ngủ yên lành. Đức tin của tôi ngay lúc đó đây tràn ngập ánh sáng và sống động, đến nỗi những suy tư về thiên đàng trở thành niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Tôi không thể tin rằng có những người đang sống mà lại không có đức tin. Những người không tin vào đời sau là những người đang tự lừa dối chính mình.

Tuy nhiên trong suốt mùa Phục sinh là những tháng ngày đầy ắp ánh sáng. Thiên Chúa đã làm tôi hiểu rằng thực sự có những linh hồn đánh mất đức tin và đức cậy. Thiên Chúa để linh hồn tôi bị bao phủ bởi một đêm đen dày đặc. Những suy tư về thiên đàng mang lại sự ngọt ngào từ thuở tôi còn trẻ giờ đây trở nên cực hình đối với tôi.

Thử thách này không chỉ kéo dài vài ngày hay vài tuần. Khi tôi đang viết những dòng này, thử thách này đã kéo dài vài tháng trời và tôi vẫn đang chịu đựng một đêm đen dày đặc. Tôi muốn giải thích rõ những gì tôi cảm thấy, nhưng điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Ai đó phải đi qua một đường hầm tối tăm mới có thể hiểu được bóng tối u ám biết dường bao.

ĐỌC NHẬT KÍ CÙNG THÁNH TÊ-RÊ-SA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU – BÀI 4

0

Sự khôn ngoan – bậc lão thành và người trẻ

Trên đời này hầu như mọi người đều đo lường sự toàn năng của Thiên Chúa bằng sự hiểu biết hạn hẹp của mình. Thế giới luôn sẵn sàng cho phép các trường hợp ngoại lệ. Chỉ duy Thiên Chúa từ chối sự tự do kiểu đó.

Tôi biết rằng đã từ rất lâu chúng ta có thói quen đo lường kinh nghiệm dựa trên tuổi đời. Vua Đa-vít đã tôn vinh Thiên Chúa khi vua còn rất trẻ: “Dầu hèn mọn và bị người khinh dể” (Tv 119,141). Nhưng cũng trong thánh vịnh đó, nhà vua chẳng sợ hãi để thốt lên:

“Con am hiểu hơn các bậc lão thành, bởi huấn lệnh Ngài, con đã tuân theo. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Con đã thề và con xin cam kết giữ quyết định công minh của Ngài.” (Tv 119,100.105.106).

Sẽ không bị coi là thiếu khôn ngoan nếu có lần người ta nói với tôi rằng Chúa đã soi sáng cho tôi và ban cho tôi sự hiểu biết mà người khác cần phải học hành trong nhiều năm. Tôi bây giờ quá nhỏ để khoe khoang chính mình và quá nhỏ để thể hiện sự khiêm tốn của mình bằng những từ ngữ văn vẻ. Do đó, một cách đơn giản, tôi thích diễn đạt nơi bản thân tôi bằng câu Kinh Thánh này:

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc 1,49). Điều lớn lao nhất trong tất cả mọi điều mà Thiên Chúa đã chỉ ra cho tôi đó là sự nhỏ bé của tôi, và chỉ với sức tôi, tôi chẳng thể làm bất kì điều gì tốt đẹp.

(Chuyển dịch từ cuốn “Hanya Karena Cinta”-Chỉ Bởi Vì Tình yêu )

LECTIO DIVINA

0

I. GIỚI THIỆU:

Lectio Divina trong tiếng Latinh có nghĩa là một việc “đọc về Chúa”, “đọc về tâm linh”, hay “đọc về điều thánh”. Đây cũng là một phương pháp cầu nguyện nhằm mục đích thúc đẩy mối tương quan với Thiên Chúa. Lectio Divina nghĩa là “đọc sách Thánh trong tinh thần cầu nguyện”. Đây là một danh xưng dùng cho việc vừa đọc vừa suy gẫm Thánh kinh. Phương thức Lectio Divina đến từ Origenes. Ngay từ đầu, Lectio Divina là bài đọc Kinh thánh của các Kitô hữu để củng cố đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Lectio Divina cũng cổ xưa như chính Hội thánh, một Hội thánh vốn sống nhờ Lời của Thiên Chúa, và lệ thuộc vào Lời Thiên Chúa như nước với nguồn (Hiến chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum 7,10,21).

Lúc đầu, các bài đọc Kinh thánh không có tổ chức và phương pháp. Những gì đã có, chỉ là thực hành đạo đức bình dân của Kitô hữu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc hệ thống hóa Lectio Divina thành bốn bước chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ mười hai. Khoảng năm 1150, Guigo, một tu sĩ, đưa ra lý thuyết về bốn bước trong việc đọc Kinh thánh. Cha Guigo đặt tên cho bốn bước của Lectio Divina là: lectio, meditatio, oratio, contemplatio, mà chúng tôi xin dịch vắn tắt là “đọc, suy, cầu, ngắm”. Tác giả mô tả bốn chặng tựa như bốn cấp bậc của chiếc thang đưa người đan sĩ từ đất lên trời.

Một hôm, đang khi mải miết với công tác lao động, tôi bắt đầu nghĩ tới hoạt động tinh thần của con người, bỗng nhiên tôi thấy bốn bậc thang tâm linh: đọc (lectio), suy (meditatio), cầu (oratio), ngắm (contemplatio). Đây là chiếc thang của các đan sĩ, nhờ đó họ có thể được nâng lên từ đất đến trời. Tuy chiếc thang ấy có ít bậc thôi nhưng thực sự rất to lớn: chân của nó cắm ở dưới đất, nhưng đỉnh của nó xuyên qua tầng mây và thấu nhập những bí nhiệm trên trời.

II. MỤC ĐÍCH CỦA LECTIO DIVINA
Chúng tôi cố gắng hiểu những gì Kinh thánh nói: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).

Chúng ta nhai và nghiền Lời Chúa trong miệng bằng cách đọc trong tâm hồn, bằng cách thinh lặng và cầu nguyện; và chúng ta thực hành trong cuộc sống của chúng ta bằng đức tin được củng cố bằng sự chiêm ngắm.

Mục tiêu của Lectio Divina là mục tiêu của Kinh Thánh, đó là: “Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3,15).

Để dạy chúng ta, hướng dẫn khi chúng ta chúng ta sai lỗi, sửa chữa hành động của chúng ta và giáo dục mọi người về sự thật và do đó dẫn dắt dân Chúa làm việc lành (x. 2 Tim 3,16-17).

Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên
công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”

Để giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm của những người đi trước tôi để chúng ta không rơi vào những lỗi lầm/ tội lỗi tương tự (x. 1 Cr 10,6-10).

III. BỐN BƯỚC CỦA LECTIO DIVINA

Các nguyên tắc của Lectio Divina đã được diễn đạt vào khoảng năm 220 và sau đó được tập luyện bởi các tu sĩ Công giáo, đặc biệt là các qui tắc trong tu viện của Thánh Pachomius, Augustine, Basil, và Benedict.

Bốn bước của Lectio Divina là: đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để phân biệt bước này với bước kia. Những gì một người nói về việc đọc có thể được người khác áp dụng vào suy niệm, v.v. Chẳng hạn, thái độ đọc có thể tiếp tục vào suy ngẫm. Bốn bước này tồn tại và tiếp tục cùng nhau trong suốt quá trình của Lectio Divina, mặc dù với cường độ khác nhau tùy theo từng giai đoạn của mỗi người.

Bước đầu tiên: Đọc (Lectio)
Đọc có nghĩa là nghiền ngẫm Kinh Thánh với sự chuyên cần và chú ý cao độ. Bằng cách đọc to rõ ràng, chậm rãi, chúng ta đặt Lời Chúa vào miệng như khi chúng ta đặt thức ăn vào miệng.

Đọc là bước khởi đầu. Bước này cho phép độc giả giữ chân trên mặt đất. Điều này là cần thiết để chuẩn bị cho suy niệm và đối thoại với Thiên Chúa, để suy niệm không chỉ đơn giản là thành quả của trí tưởng tượng của chúng ta mà dựa trên bản văn Kinh thánh. Đọc một cách chăm chú, giúp chúng ta không hiểu sai bản văn Kinh thánh hoặc thu hẹp nó theo ý kiến riêng của chúng ta, bởi vì chính bản văn có một ý nghĩa sâu sa, độc lập với người đọc. Ở đây, việc học và nghiên cứu Kinh thánh giúp chúng ta thực hiện Lectio Divina tốt hơn. Chúng ta cần hiểu đoạn bản văn Kinh thánh trong bối cảnh của nó.

Ghi Chú:

Đối với những người có khả năng, tốt hơn hãy nghiên cứu về Kinh thánh theo các khía cạnh văn học, lịch sử và thần học. Người ta phải cẩn thận với những diễn giải mang tính duy lý và không có đức tin, điều mà chúng ta vẫn thường gặp trong các nghiên cứu về Kinh thánh. Bên cạnh đó, chúng ta nên biết rằng để thực hiện Lectio Divina không nhất thiết phải nghiên cứu học thuật, chúng ta cũng nên biết rằng tất cả những điều này không phải là mục đích của Lectio Divina, mà chỉ là phương tiện để đạt được mục đích.

Bước đầu tiên này nhằm trả lời câu hỏi: Bản văn muốn nói gì ?

Chúng ta phải đọc bản văn một cách chăm chú và tôn kính vì mỗi từ đến từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời này theo một cách rất riêng tư. Hãy nhớ rằng Lời Chúa là để nhớ về Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô.

Khi chúng ta đọc bản văn nhiều lần cho chính mình để trái tim của chúng ta tập trung vào Lời Chúa, chúng ta đang đi vào tâm nguyện. Nếu có một ý tưởng hoặc một từ nào đó đánh động, chúng ta nên dừng ở đó.

Việc Đọc phải đưa chúng ta đến gần bản văn thậm chí đến mức bản văn trở thành lời của chúng ta. Cassian nói: Nội dung bản văn thấm vào chúng ta giống như cách nó thâm nhập vào tác giả Kinh thánh, để như thể chúng ta trở thành tác giả của chính bản văn. Chính tại thời điểm này, chúng ta có thể biết rằng Chúa đang cố gắng nói điều gì đó với chúng ta. Lúc này, chúng ta cúi đầu, im lặng và mở tai ra: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 85,9). Tại thời điểm này, người đọc chuyển sang bước thứ hai, đó là suy niệm.

Bước thứ hai: Suy niệm (Meditatio)

Nếu bước đầu tiên cố gắng trả lời câu hỏi: Bản văn nói gì? Thì bước thứ hai cố gắng trả lời câu hỏi: Bản văn nói gì với tôi ngay lúc này, ngay nơi đây ?

Do đó, chúng ta bắt đầu nghiền ngẫm Lời Chúa trong miệng, và chúng ta đã bắt đầu suy niêm về bản văn. Suy niệm có nghĩa là nghiền ngẫm Lời Chúa trong thinh lặng và cảm nếm từng câu từng chữ Lời Chúa để sàng lọc ý nghĩa của nó.

Đặt những câu hỏi phản ánh Bản Văn:  

– Những điểm tương đồng và khác biệt giữa tình huống trong đoạn Tin Mừng và tình huống hiện tại là gì?

– Những mâu thuẫn nào xuất hiện trong đoạn Tin Mừng cũng như trong tình huống hiện tại?

– Đoạn Tin Mừng nhắn nhủ gì đến tình hình hiện tại?

– Bản văn muốn tôi thay đổi điều gì?

– Điều gì, theo đoạn Tin Mừng, phải phát triển trong tôi?

Mỗi từ của đoạn Tin Mừng nên được áp dụng cho chính tôi. Điều quan trọng cần lưu ý trong bước này là một quá trình của trực giác. Chúng ta thực hành bằng cách đọc đoạn Tin Mừng nhiều lần như thể đó là một bức thư tình. Chúng ta thưởng thức từng từ cho đến khi Lời trở thành một phần của chính chúng ta. Nếu chúng ta đọc một lá thư từ người mình yêu, chúng ta thậm chí còn thuộc từng câu từng chữ.

Những người thực hành suy niệm, sống và cảm nhận sự thật ẩn giấu trong Lời Chúa và biến nó thành sự khôn ngoan cho chính họ trong cuộc sống của họ.

Suy niệm thực sự là lắng nghe những từ được đọc đi đọc lại để tìm nghĩa của từ đó. Thật khó để nói khi một người chuyển từ suy niệm sang cầu nguyện cũng như rất khó để nói khi một người chuyển từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, có một tiêu chí mà chúng ta có thể sử dụng. Suy niệm mở ra cho chúng ta ý nghĩa của đoạn Tin Mừng, làm cho nó phù hợp với hoàn cảnh sống  của chúng ta hiện tại và cho chúng ta một ý tưởng về những gì Thiên Chúa muốn từ chúng ta.  

Khi chúng ta có một ý tưởng rõ ràng về những gì Chúa muốn ở chúng ta, thì đó là lúc để hỏi: Tôi muốn nói gì với Chúa? Tôi có chấp nhận hay không? Nếu những gì Chúa yêu cầu là rõ ràng, thì những hạn chế, trở ngại và sự thiếu khả năng của chúng ta cũng trở nên rõ ràng. Sau đó, chúng ta có thể cầu xin Ngài: “Lạy Chúa xin hãy đến thương giúp con (Tv 44,27).

Nói cách khác, suy niệm là hạt giống của cầu nguyện.

Thánh Têrêsa Avila đã thêm một yếu tố quan trọng để giúp chúng ta suy niệm, đó là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Avila dạy chúng ta phải nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa rất gần chúng ta.

Bước thứ ba: Cầu nguyện (Oratio)
Khi chúng ta đọc, chúng ta hỏi, Đoạn Tin Mừng này nói gì? Trong suy niệm chúng ta hỏi, đoạn Tin Mừng này nói gì với tôi? Trong phần cầu nguyện, chúng ta hỏi, đoạn Tin Mừng này kêu mời tôi nói gì với Chúa?

Trong bước thứ ba, chúng ta đáp lại và bày tỏ trước sự hiện diện của Thiên Chúa những gì đánh động trong chúng ta bởi Lời Chúa mà chúng ta đã suy niệm. Cầu nguyện là một lời đáp lại Lời Chúa xuất phát từ trái tim của chúng ta. Lời cầu nguyện này có thể ở dạng cầu xin, ngợi khen, tạ ơn hoặc thống hối. Chúng ta có thể bày tỏ lời cầu nguyện trong cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu hoặc Chúa Cha, và đôi khi với Chúa Thánh Thần, một cách tự nhiên, như với một người bạn đang nói chuyện với một người bạn yêu thương, như Thánh Têrêsa Avila nói: Cuộc trò chuyện này nên tự phát, đơn giản, tự nhiên và không giả tạo. Để nó không trở thành một cuộc độc thoại, lời cầu nguyện này phải tiến vào chiêm ngắm.

Bước thứ tư: Chiêm ngắm (Contemplatio):

Nếu đọc Lời Chúa nhiều lần là đặt Lời Chúa trên môi, suy niệm là đặt Lời Chúa trong tư tưởng, và cầu nguyện là đặt Lời Chúa trong tâm hồn chúng ta, sau đó, qua sự giúp đỡ của ơn Chúa, chiêm ngắm sẽ khắc sâu Lời Chúa vào linh hồn chúng ta.

Suy niệm xuất phát từ tiếng Latinh “contemplare”, có nghĩa là nhìn ngắm. Lời cầu nguyện của chúng ta thay đổi từ một cuộc trò chuyện thành ánh mắt yêu thương trong đức tin, trong thinh lặng, không lời, không ý niệm. Nếu lúc đầu, sự suy niệm này là ngắn gọn, dần dần, nếu chúng ta trung thành, nó sẽ kéo dài hơn, và nếu Chúa muốn, một người có thể chìm vào một sự thinh lặng tuyệt vời và sẽ được thấm nhuần trong Thiên Chúa.

Trong sự thinh lặng và bình an này, Thiên Chúa đổ tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài. Mặc dù vậy, đừng cố gắng duy trì trạng thái đó bằng cách gồng mình nếu bạn không bị thôi thúc từ bên trong, bởi vì nếu không thì sự thinh lặng chỉ là sự trống rỗng vô ích. Mặt khác, nếu bạn được lôi cuốn vào một sự thinh lặng từ bên trong, đừng sợ hãi, bởi vì đây thực sự là một ân sủng lớn.

Chúng ta có thể thinh lặng trong sâu thẳm tâm hồn, chờ đợi, chiêm ngắm và cảm nhận sự hiện diện của Ngài vượt qua mọi lời nói. Chúng ta gặp gỡ với Lời Chúa. Chúng ta được nâng lên để biết Ngài là người đầu tiên biết rõ chúng ta. Chúng ta được nâng lên để yêu và được yêu trong quyền năng của Thần Khí – Đấng cầu nguyện trong chúng ta. Bằng cách bước vào một ánh sáng mới, chúng ta trải nghiệm một sự biến đổi. Chúng ta đã có được nguồn nước hằng sống và được cho uống miễn phí từ Đấng cứu độ của chúng ta.

Khi chúng ta thoát ra khỏi sự thinh lặng, nghĩa là khi chúng ta không còn tập trung nữa, chúng ta có thể bắt đầu lại quá trình từ bước đầu tiên trở đi, hoặc chúng ta có thể cứ lặp đi lặp lại tên của Chúa Giêsu.

IV. PHẦN KẾT LUẬN:

Khi thực hành Lectio Divina, chúng ta cần kỷ luật, sự bình an của tâm hồn và ân sủng của Thiên Chúa. Điều quan trọng nhất không phải là nghĩ nhiều về Lời Chúa mà là yêu nhiều như Thánh Têrêsa Avila đã chỉ dạy. Hy vọng, thông qua thực hành Lectio Divina, chúng ta sẽ ngày càng đi câu vào mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa và nên một với Ngài trong tình yêu. Và như thế ngay từ trên dương thế này chúng ta đã được cảm nếm sự ngọt ngào của niềm hạnh phúc thiên đàng.

BÍ MẬT ĐẰNG SAU NHỮNG ĐAU KHỔ

0

Mỗi người trong chúng ta nếu được hỏi muốn hạnh phúc hay đau khổ? Thì chắc rằng tất cả sẽ trả lời là muốn hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, thử hỏi có ai được hạnh phúc suốt cuộc đời không. Phải nói là không. Tất cả mọi người, không ít thì nhiều, chắc chắn đã từng trải qua đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần. Có lẽ chúng ta tự hỏi: tại sao lại có đau khổ trong thế gian này?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng lúc khởi đầu con người sống rất hạnh phúc, chẳng biết đến đau khổ. Trong vườn Eđen tất cả đã có sẵn, con người không phải vất vả làm việc. Đặc biệt là họ luôn được nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và điều đó làm cho họ luôn được hạnh phúc. Nhưng sau khi sa ngã phạm tội, con người phải khó nhọc tìm kiếm lương thực từ đất đai, và người phụ nữ phải mang nặng đẻ đau (x. St 2-3). Tội lỗi trở thành nguyên căn của mọi sự đau khổ.

Tự bản chất, con người là thụ tạo mang tính xã hội. Con người không sống lẻ nhưng sống trong cộng đồng, sống với người khác. Vì thế mà tội lỗi cũng có khía cạnh xã hội của nó. Nghĩa là hành động của người này sẽ ảnh hưởng đến người khác. Vì Ađam và Eva phạm tội, tất cả con cháu cũng phải gánh chịu hậu quả (x. 1 Cr 15,21). Có thể nói rằng hậu quả lớn nhất mà tội lỗi đã gây ra đó là sự đau khổ và sự chết.

Con người phải chịu đau khổ vì nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân chính là:

  • Do chính bản thân:

Những hành động tội lỗi của chúng ta làm chúng ta đau khổ. Người thường xuyên sử dụng thuốc phiện phải gánh chịu thương tật về phần não bộ như là một hậu quả tất yếu của nó. Kẻ giết người hoặc cướp giật phải trải qua cuộc sống trong lao tù, xa cách vợ con.

  • Do người khác:

Những kẻ đâm xe bỏ chạy sẽ là mối họa và là nguồn gốc của sự đau khổ cho những ai là nạn nhân của vụ tai nạn đó, có thể là tiền mất tật mang, thậm chí là qua đời. Những mưu đồ độc ác của một số cá nhân dẫn tới cuộc chiến tranh thế II đã cướp đi biết bao mạng người và gây ra bao thiệt hại cho toàn thế giới.

  • Không hiểu rõ nguyên nhân trực tiếp:

Con cái sinh ra khuyết tật; trẻ mồ côi; đột nhiên bị mắc bệnh nặng; sự ra đi của những người thân yêu…tất cả là nỗi bi thương. Đối mặt với những thực trạng đó, con người hầu như không thể giải đáp được các vấn nạn về sự hiện hữu của những đau khổ.

Trước những đắng cay của cuộc đời, con người thường tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có quan tâm đến nỗi đau khổ của con người không? Tại sao Thiên Chúa lại “nhẫn tâm” để con người phải đau khổ như thế?

Lời giải đáp cho các vấn nạn về sự đau khổ đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải trình trong Tông Huấn của ngài, Salvific Doloris, về ý nghĩa đau khổ của con người theo cái nhìn của Kitô giáo. Những câu hỏi về vấn đề tại sao lại có đau khổ hoặc tại sao lại có sự dữ đôi khi làm con người tuyệt vọng và nghi ngờ Thiên Chúa. Theo Thánh Giáo Hoàng, chìa khóa của chúng ta đó là phải thấu hiểu ý nghĩa của đau khổ.

Kinh Thánh có kể cho chúng ta biết về câu chuyện cuộc đời ông Gióp. Ông nổi tiếng là một người rất thánh thiện. Nhưng ông cũng phải gánh chịu những đau khổ khủng khiếp. Tất cả con cái của ông đều bị lấy đi. Của cải tiêu tan. Thậm chí toàn thân ông đầy ung nhọt. Các bạn hữu của ông tin rằng đó là do hậu quả của tội lỗi mà ông đã gây ra. Đau khổ của Gióp phải được đón nhận như một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể lý giải được.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được về sự đau khổ bằng cách suy ngẫm về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Người không bao giờ phạm tội. Người chỉ làm những điều tốt đẹp: giảng dạy, giúp đỡ và chữa lành các bệnh nhân, thậm chí làm cho kẻ chết sống lại. Thế nhưng Người lại phải chịu biết bao đau khổ. Bị các nhà cầm quyền và những kẻ đứng đầu tôn giáo ghét bỏ. Bị hành hạ một cách dã man, bị sỉ nhục trước đám đông. Bị phản bội và bị những người thân yêu bỏ rơi. Người trở thành đối tượng của sự chế giễu và khinh bỉ. Cuối cùng bị treo trên thập giá cách đau đớn cho đến khi phó linh hồn. Người không đáng phải chịu những đau khổ như vậy, thế nhưng Người đã gánh lấy tất cả vì chúng ta. Qua đó Người dạy chúng ta rằng đau khổ không hoàn toàn là hậu quả của tội lỗi. Đau khổ đóng vai trò quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần can đảm và sẵn sàng để chịu đau khổ nhằm cứu rỗi các linh hồn.

Qua đau khổ chúng ta có thể học được một số điều:

  1. Những đắng cay, đau khổ lớn lao mà chúng ta phải gánh chịu sẽ làm cho chúng ta càng một ý thức hơn về hậu quả của tỗi lỗi. Cũng thế, chúng ta sẽ càng nhận ra tình yêu thương vô hạn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô – Đấng đã tự nguyện trở nên con người, chịu đau khổ và chịu chết để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ đời đời mà tội lỗi đã gây ra. Chúa Giêsu gần gũi với những người đau khổ. Người mang lấy đau khổ đó trong chính mình Người.
  2. Thật ra đau khổ ở trần gian này chỉ mang tính tạm thời. Khi đối diện với đau khổ, phản ứng tự nhiên của con người chúng ta đó là né tránh. Cũng thế, chúng ta phải có động lực lớn hơn nữa để tránh xa những đau khổ mang tính vĩnh viễn – lửa hỏa ngục, nếu chúng ta không chịu ăn năn sám hối.

Đau khổ có đem lại lợi ích hay không, phụ thuộc vào thái độ của chúng ta trong việc đón nhận. Đau khổ có thể mang lại sự sám hối, nhưng cũng có thể chỉ làm cho lòng người cay đắng và tức giận với Thiên Chúa. Hai người bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu nói lên điều đó. Một người ăn năn sám hối, đón nhận thánh giá vì tội lỗi của mình thì được Chúa Giê-su tha thứ tội lỗi và được đón nhận phần thưởng Thiên Đàng. Trong khi, người kia cay đắng vì đau khổ từ hậu quả tội lỗi của mình, chẳng những không ăn năn sám hối mà còn chế giễu Chúa Giê-su.

Tình yêu làm cho con người tự nguyện hy sinh và chịu đau khổ cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã minh chứng điều đó. Chúng ta có thể học từ gương các thánh, họ muốn tự nguyện và nhẫn lại chịu đau khổ vì Chúa Giêsu. Thậm chí như Thánh Phêrô và Gioan, họ đã vui mừng vì được cùng đau khổ với Chúa Giêsu. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”. (Cv 5, 41) Các thánh nhận năm dấu đinh, tự nguyện chịu đau khổ nơi thể xác trong suốt cuộc đời, và thường bị mọi người xung quanh khinh bỉ và chế giễu.

Kết luận

Bởi vì phẩm giá con người sa ngã trong tội, chúng ta không thể thoát khỏi đau khổ. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5,19).

Chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa mãi mãi là Thiên Chúa tốt lành và yêu thương chúng ta. Ngài luôn có chương trình tốt đẹp cho chúng ta mặc dầu nhiều lúc chúng ta không hiểu. Với sự tin tưởng đó, chúng ta có thể dễ dàng đón nhận những đau khổ xảy đến. Chúng ta có thể kết hợp đau khổ chủa mình với đau khổ của Đức Kitô, và chúng ta dâng lên Chúa như của lễ đền tội cho bản thân cũng như cho những người khác. Như vậy những đau khổ của chúng ta sẽ không ra vô ích, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chính chúng ta và người khác. Nhờ đó chúng ta đã dự phần vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.