Trang chủTHƯ VIỆNBài Viết của Cha Sáng LậpNÊN THÁNH TRONG TỪNG VIỆC NHỎ

NÊN THÁNH TRONG TỪNG VIỆC NHỎ

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã phán với dân Ngài rằng, “Hãy nên thánh như Ta là Đấng Thánh” (xem Lv 19,2; Mt 5,48). Giáo Hội Công Giáo mang nét phong phú và đặc sắc trong sự thánh thiện của Đức Chúa Giê-su, Đấng là đầu và cũng là cùng đích của giáo hội.

Các vị thánh là ai? Các ngài là những người bình thường như bạn và như tôi, nhưng các ngài mang trong mình một tình yêu to lớn dành cho Thiên Chúa trong từng công việc họ làm dù lớn hay nhỏ.

Anh chị em thân mến, hàng ngày chúng ta có những nhiệm vụ khác nhau, đôi lúc nhìn từ vẻ bề ngoài thì rất đơn giản như: nấu ăn, làm vườn, học tập, viết lách, trông nhà cửa, dọn dẹp..v.v., nhưng tất cả không được coi là nhỏ nhặt trong mắt Thiên Chúa nếu chúng được làm bằng một tình yêu to lớn, thậm chí có thể mang đến giá trị cứu chuộc trong chương trình Tình Yêu của Thiên Chúa đối với các linh hồn.

            Khi chúng ta nghĩ về cuộc sống của mình, phần lớn thời gian được tạo nên từ những thứ rất đơn giản và rất đỗi bình thường. Chẳng hạn như đối với cha trong tư cách một linh mục, mỗi ngày cha giảng cho nhiều người tham dự trong Thánh lễ, hay giáo viên trên giảng đường, cần chuẩn bị bài mỗi ngày cho học sinh. Nhưng nếu chúng ta thử đếm trong một tuần là bao nhiêu giờ ? Trong một ngày chỉ có 1/24 giờ dành cho Chúa, thì 23/24 giờ còn lại ở đâu? Đó là thực tế cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống của chúng ta bao gồm những điều bình thường, nhưng sẽ có một giá trị đời đời, nếu chúng ta sống trong ánh sáng đức tin vào Thiên Chúa.

            Một ví dụ rất thú vị là cuộc đời của chính Đức Trinh Nữ Maria. Trong suốt cuộc đời của mình, Mẹ Maria sống trong vai trò như một người mẹ và một người thôn nữ. Mẹ là một người phụ nữ thôn quê chất phác, sống trong một ngôi làng nhỏ ở miền Na-za-rét. Vào thời đó, ở Na-za-rét chỉ có một nguồn nước dùng chung cho tất cả mọi người. Hằng ngày, những người phụ nữ lấy nước cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình họ. Chúng ta có thể thấy Mẹ Maria sống một cuộc sống thật giản dị, không hào nhoáng chút nào, không ai xung quanh Mẹ nghĩ và nhận ra rằng, người phụ nữ giản dị đó (mặc dù họ đã thấy và cảm thấy Mẹ Maria là một người phụ nữ tốt lành, đạo đức, sùng đạo và luôn kính sợ Thiên Chúa) là mẹ của chính Đấng Cứu Thế.

         Tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày như: nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, lấy nước, cầu nguyện, và những việc khác. Tất cả đã được thực hiện trong sự kết hợp sâu xa mật thiết với Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ luôn hướng về người con dấu yêu của mình. Mẹ Maria đã thi hành thánh ý Thiên Chúa qua những công việc bổn phận hằng ngày. Giống như lời của Thánh Phao-Lô đã nói: Anh chị em thân mến, dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa (1 Cr 10,31).  Mẹ Maria chính là mẫu gương hoàn hảo cho mỗi người chúng ta. Mẹ đã thánh hóa cuộc sống hàng ngày của mẹ trong tình yêu và đức tin vào Thiên Chúa. 

            Điều tương tự như vậy khi chúng ta cũng nhìn vào cuộc sống âm thầm của Thánh Giuse, và ngay cả chính Chúa Giê-su, trước khi Ngài xuất hiện rao giảng cách công khai trước dân chúng. Trong ba mươi năm, Ngài làm việc như một người thợ mộc. Chúng ta biết, Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, người đã sống từ ngày này qua ngày khác để làm những công việc bình thường. Hãy tưởng tượng Chúa Giê-su được mọi người nhờ đóng bàn ​​ghế, giường tủ,…  vì không một ai biết rằng Ngài (Chúa Giê-su) là Con Thiên Chúa hằng sống. Nếu chúng ta suy niệm về điều này, chúng ta sẽ thấy một mầu nhiệm sâu xa của Thiên Chúa.

       Tương tự như vậy trong cuộc đời các thánh. Các ngài đã không để bản thân bị bận tâm và xao xuyến bởi thế gian. Các Ngài đã nhận ra và thực thi thánh ý Thiên Chúa mọi giây mọi phút trong cuộc sống. Chìa khóa sống đó là mỗi giây phút họ cố gắng sống đức tin và phục tùng thánh ý Thiên Chúa đã định hình cuộc sống của họ. Cũng như lời Tin Mừng chép rằng: “Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Mt 6,21). Nếu chúng ta thực sự sống trong tình yêu đối với Thiên Chúa, sống cho Quê Trời thì trái tim của chúng ta sẽ không ngừng hướng về những điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, và làm những gì mà Thiên Chúa muốn. Trong những công việc hàng ngày, nếu chúng ta thực hiện trong đức tin và tình yêu thì điều đó sẽ mang một giá trị vĩnh cửu và qua đó chúng ta đã thực thi Thánh ý Thiên Chúa.

      Hãy nhớ rằng rất nhiều các thánh dòng Cát Minh trở nên cao trọng, thực ra đã chỉ làm những công việc rất đỗi nhỏ bé, tầm thường, đơn giản và được cho là vô vị. Cuộc sống của các ngài thực sự không biểu hiện ở vẻ bề ngoài. Ví dụ như Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, trong suốt cuộc đời của ngài không được mấy ai biết đến, thậm chí không được biết đến nhiều bởi những chị em cùng tu trong Dòng với ngài vì ngài là người rất đỗi bình thường. Tương tự như vậy với Thánh Tê-rê-sa Margaretha Redi, qua đời ở tuổi 22, Chân phước Elisabet Chúa Ba Ngôi, qua đời ở tuổi 27, Thánh Tê-rê-sa Andes, qua đời ở tuổi 19 (người trẻ nhất trong số các thánh Dòng Cát Minh), hay như thầy Laurensius Chúa Phục sinh (cả đời chỉ là người thợ đóng giày và nấu ăn duy nhất trong đan viện), và những vị thánh khác. Cuộc sống rất đỗi tầm thường như vậy đó, cuối cùng đã trở nên cao trọng và trở nên những vị thánh.

        Những vị thánh này đã sống cuộc đời của họ theo cách như vậy, họ đã đón nhận tất cả mọi thứ trong đức tin và tình yêu dành cho Thiên Chúa. Họ thánh hóa mọi giây phút hiện tại để tiến dâng cho Thiên Chúa. Họ chịu đựng những khó khăn, những nguy khó, vác thánh giá hàng ngày với niềm vui và thực hiện tất cả như là thực thi thánh ý Thiên Chúa. Họ đã cố gắng chiến đấu để tránh xa những điều ác và tội lỗi, luôn từ bỏ mình, để không bám víu vào những thứ không phải là Thiên Chúa. Những gian truân, đau khổ mà họ trải qua dạy họ, rèn luyện họ hình thành tính kiên nhẫn, thái độ khiêm nhường và sự thánh thiện.

        Họ cũng nhận thức được rằng, đằng sau tất cả những sự kiện và biến cố này luôn có những ơn sủng làm cho họ có khả năng để dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa và mưu ích cho rất nhiều qua những sự kiện này. Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt đức tin, tất cả các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta không có điều gì có thể tách rời khỏi sự quan phòng của Thiên Chúa, và tất cả chúng đều hướng chúng ta sống chân lý Phúc Âm không ngưng cho tới ngày sau hết. Trong lĩnh vực này, chúng ta phải phân biệt và nhìn nó từ hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất từ ​​quan điểm lý thuyết (giáo lý cuộc sống thực tế) được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và từ góc độ thiêng liêng. 

        Theo cách riêng của mình, Thiên Chúa dạy chúng ta theo hai cách. Một là Thiên Chúa dạy qua Tin Mừng của Ngài, cụ thể là những gì được trao ban qua Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng. Tin Mừng sẽ soi sáng cuộc sống của chúng ta, soi chiếu mọi hành động, mọi việc làm cụ thể mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống này. Chân lý này thường bị nhiều người lãng quên. Mỗi giây phút là một hồng ân, mỗi giây phút đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa cho một mục tiêu cao cả và cho sự cứu rỗi của chính chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta thường không nhận ra điều đó, để rồi khi mọi việc không như ý, một cách bộc phát chúng ta có phản ứng càu nhàu, phàn nàn, tức giận. Và như thế chúng ta bỏ qua những giây phút đầy hồng ân và quý giá cho bản thân và cho tha nhân. Nếu không vừa ý, hoặc chỉ có một chuyện nhỏ xảy đến, người ta đã phàn nàn, càu nhàu, giận dữ, ..vv.. Đây thực sự là một điều đáng tiếc. Vì đó là cơ hội nhận được ân phúc cao vời của Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn vào cuộc đời của những vị thánh, họ có một đức tin rất sống động, một ví dụ cụ thể nơi bản thân Thánh Tê-rê-sa Hài Đông Giê-su. Bởi vì cuộc sống của chị rất đơn giản nên đã chỉ ra một lối nhỏ (đường thơ ấu thiêng liêng) mà ai cũng có thể theo được.

    Trong những biến cố của cuộc đời chúng ta, dù là việc phục vụ dân Chúa, cho tới những việc bổn phận bình thường, được coi là vô nghĩa theo cách nhìn của người đời, thì đó là những lúc mà con người hướng đến điều duy nhất cần thiết, đó là làm theo thánh ý Thiên Chúa từ ngày này qua ngày khác. Bởi vì điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là “Thi hành Thánh ý Thiên Chúa“, không phải là làm việc lớn để nổi tiếng, để được ca ngợi và được tôn trọng. Mọi việc dù lớn hay nhỏ chỉ có giá trị khi chúng ta làm trong đức tin và tình yêu trong sự hiệp nhất với thánh ý Thiên Chúa. Như chính Chúa Giê-su đã làm, khi Chúa Cha muốn Ngài sống ẩn mình trong 30 năm, thì Ngài đã thực thi điều đó trong một cuộc sống ẩn dật như một người thợ mộc bình thường. Ở ngôi làng nhỏ bé vùng thôn quê ấy, không ai đoán và biết được rằng người thợ mộc đó chính Con Thiên Chúa, Đấng Cứu độ trần gian, Đấng Mêsia.

        Khi Chúa Cha muốn Ngài xuất hiện trước công chúng để rao giảng và công bố Nước Thiên Chúa, thì Ngài đã thi hành. Ngài chữa lành, Ngài loan báo Tin Mừng mà không sợ hãi, vì Ngài biết rằng đó là ý muốn của Chúa Cha. Phương châm sống của Chúa Giê-su là: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. ” (Ga 4,34) Vì vậy, mỗi giây phút đều có ý nghĩa vĩnh cửu và mỗi giây phút cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta  ân sủng của Ngài, để làm mọi thứ như sự tỏ bày tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Khi chúng ta nhìn vào tất cả những điều đó, với những bậc sống khác nhau cũng là sự tỏ bày thánh ý Thiên Chúa. Như lời Thánh Phao-lô: “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô.” (Ê-phê-sô 4,11-12).

        Có nhiều cách sống khác nhau, có người tích cực hoạt động tích đồ, người khác sống đời chiêm niệm ẩn khuất, nhưng tất cả đều là ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ sống tất cả, và Thiên Chúa yêu cầu chúng ta sống từng giây phút của cuộc đời mình trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Nếu vì những yếu đuối của chúng ta hay vì những sai lầm của chúng ta, một điều gì đó xảy ra và cuối cùng cũng đè nén trái tim chúng ta, thì đó cũng là bài học từ sự quan phòng của Thiên Chúa mà chúng ta phải chấp nhận với tất cả sự khiêm hạ. Thánh Augustinô thêm vào những lời của Thánh Phao-lô: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài, ngay cả những tội lỗi của họ”. Điều này không có nghĩa là chúng ta được phép phạm tội, nhưng nếu vì những yếu đuối mà chúng ta phạm tội, thì tội lỗi đó cũng có thể giúp chúng ta trở nên khiêm nhường hơn. Ví dụ như, không do lỗi của chúng ta, Thiên Chúa cho phép chúng ta không nhận được sự giúp đỡ nào đó, chúng ta phải tin và nhận ra rằng thật ra sự trợ giúp đó không thực sự cần thiết cho sự thánh hóa và ơn cứu độ của chúng ta.

Vì vậy, trong cuộc đời của các thánh, họ luôn thấy mình có một thiếu sót đó là họ cần giành một tình yêu lớn hơn cho Thiên Chúa. Họ luôn cảm thấy họ còn thiếu tình yêu. Họ không bao giờ cho là đủ, nhưng không ngừng khao khát lớn lên, bị thiêu đốt trong tình yêu giành cho Thiên Chúa.

Cha Gioan Indrakusuma

Chuyên đề

Xem tiếp...