SỰ LO LẮNG

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,33-34)

Vào năm 596 Thánh Augustino thành Canterbury là bề trên tu viện thánh Anrê ở Roma, nước Ý. Năm 597, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô cả sai Ngài và 40 vị thừa sai khác đi truyền giáo bên nước Anh vì ánh sáng của Chúa Kitô, Tin Mừng của Ngài đã được rao giảng tại nước này ngay từ thế kỷ đầu, nhưng vì công giáo bị ảnh hưởng của ngẫu tượng giáo và sự xâm lăng của các sắc dân Saxon, đức tin của người công giáo hoàn toàn bị lu mờ và hầu như sắp tàn lụi. Trong cuộc hành trình, khi họ đi qua đất Pháp, họ nghe tin về những nguy hiểm tại lãnh thổ khu vực phía Nam Vương quốc Anh, và tính cách hung dữ của bộ tộc Anglo-Saxon. Thánh Augustino đã hoãn cuộc hành trình lại, và vội vã trở lại Rôma để trao đổi với Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả. Thế rồi Thánh Augustino nhận được lời khuyên và sự thúc đẩy từ Giáo Hoàng, ngài nói “Một người sẽ đạt được thành công to lớn nếu bắt đầu từng bước, không phải với một bước nhảy”.

Sau đó Thánh Augustino Canterbury trở lại hành trình truyền giáo cùng với các nhà truyền giáo khác mà ngài dẫn dắt. Thánh nhân luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa và với sự kiên trì, lòng quảng đại, sự phấn đấu liên lỉ, lòng đạo đức, sự thánh thiện sẵn có, thánh nhân đã tin tưởng, can đảm phó thác vào Chúa quan phòng chở che. Ngài đã cầu nguyện liên lỉ, ăn chay, hãm mình và dùng hành động thực tế, cụ thể để giải quyết vấn đề hơn là nói suông, ngoài môi miệng. Và cuối cùng Ngài đã đạt được thành công trong công cuôc rao giảng Tin Mừng tại nơi đây.

Cảm giác lo lắng

Cảm giác lo lắng là một cảm xúc bình thường và xảy ra với hầu hết mọi người với những mức độ khác nhau. Một người khi đứng trước đám đông cảm thấy lo lắng hồi hộp, không biết mình có làm tốt nhiệm vụ không. Một người mẹ lo lắng khi con đang học ở thành phố, sợ con hư, sợ con gặp điều không may.v.v. Đây là những điều thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, và là một điều bình thường mà mỗi người chúng ta trải qua.

Sự lo lắng được đề cập đến trong bài viết này là sự lo lắng về tương lai, cảm giác ám ảnh đè nặng thậm chí có thể giết chết đức tin và bước tiến của chúng ta. Một cảm giác lo lắng mà chúng ta để cho nó chi phối tâm trí và điều khiển cuộc sống của mình. Mọi người đều cảm nhận tất cả những điều đó trong cuộc sống bấp bênh này.

Chúng ta có thể gặp thấy nhiều nhân vật trong Kinh Thánh cũng đối mặt với sự lo lắng như chúng ta:

-Mác-ta (Lc 10,40-42).  Khi ấy Chúa Giêsu nói với Mác-ta rằng cô lo lắng băn khoăn nhiều chuyện.

-Mẹ Maria và Thánh Giuse (Lc 2,46-48). Khi ấy Mẹ Maria và Thánh Giuse cảm thấy rất lo lắng vì không tìm thấy Chúa Giêsu mà thực ra Ngài đang ở đền thờ Thiên Chúa.

-Ngôn sứ Êlia (1V 19, 3-4). Khi ấy Êlia lo lắng, sợ hãi vì bị vua Akháp và hoàng hậu Isabel đuổi bắt và muốn giết chết.

Sự lo lắng có thể tấn công bất kỳ ai. Điều quan trọng ở đây không phải là để không bao giờ cảm thấy lo lắng, nhưng chúng ta phải hành động và khắc phục như thế nào khi cảm giác lo lắng ấy xuất hiện và chúng ta đối mặt.

Cách khắc phục lo lắng

Khi bài này được viết ra, thế giới vẫn đang bị bao phủ bởi sự lo lắng rất lớn về tương lai trong thảm dịch Covid-19. Nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe, tài chính và đặc biệt là sự lo lắng. Người đang kinh doanh lo lắng nếu công ty ngày càng tệ và nguy cơ phải phá sản, công nhân lo lắng bị cắt giảm tiền lương hoặc bị sa thải, học sinh/sinh viên lo lắng khi nào đi học lại, mọi người lo lắng ra khỏi nhà bị nhiễm Covid-19.

Cảm giác lo lắng là tình trạng tâm lý bình thường, nhưng khi để mặc như vậy sẽ trở nên bất thường vì có thể gây áp lực cho cuộc sống thậm chí có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm. Một số thống kê nghiên cứu cho thấy cấp độ tự sát tăng lên ở nhiều quốc gia ( Mỹ, Nhật, Ấn Độ) trong thời gian đại dịch Covid-19.

Có một châm ngôn  nói rằng “Sự can đảm thực ra là kết quả từ sự sợ hãi sau khi họ cầu nguyện”. Như Thánh Gioan Vianney nói “Thiên Chúa khuyên bạn cầu nguyện, nhưng cấm bạn rơi vào sự lo lắng”.

Lời khuyên khác từ Thánh Têrêsa Avila nói rằng mỗi lần ma quỷ thất bại trong việc đe dọa hay cám dỗ chúng ta, “Họ mất nhiều sức lực. Vì nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và ma quỷ là nô lệ, thì nguy hiểm nào có thể đe dọa chúng ta là những người phục vụ Thiên Chúa, Ngài là Chúa và là Vua của chúng ta ?” Không có gì có thể xảy ra với chúng ta mà Thiên Chúa không biết và không cho phép, và Ngài có thể khiến mọi sự trở thành điều tốt cho chúng ta (xem Mt 6, 33-34).

Chúng ta hãy biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh  lợi  ích  cho  những  ai  yêu  mến  Người.” (Roma 8, 28)

Điều chúng ta có thể làm là đối mặt với một thái độ hợp lý và tỉnh thức, đừng để đến lúc cảm xúc lo lắng vùi dập chúng ta, chúng ta sẽ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và trí tưởng tượng về những điều chưa xảy ra. Ngược lại chúng ta phải phó thác cho Chúa và cầu nguyện, dâng tất cả mọi việc cho Ngài trong cầu nguyện và dâng lời cảm tạ vì những gì xảy đến cho chúng ta.

Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ  đem  lời  cầu  khẩn,  van  xin  và  tạ  ơn,  mà  giãi  bày trước  mặt  Thiên  Chúa  những  điều  anh  em  thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp  với  Đức  Ki-tô  Giê-su (Pl 4,6-7)

Sự lo lắng là một phần của cuộc sống, nhưng khi quy chiếu mọi sự về Thiên Chúa tất cả mọi lo lắng trở nên vô nghĩa. Hãy tiếp tục tin tưởng vào Thiên Chúa mặc cho những gì chúng ta đang thấy hoàn toàn là tối tăm. Hãy tiến bước và trông cậy luôn, hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài có một chương trình tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người chúng ta.

“Kế hoạch Ta định làm cho các ngươi là kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.”(Isaia 21,11)

Sống lời Chúa:

Chuyên đề

Xem tiếp...