Lịch sử hình thành Cát Minh Eliana

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

DÒNG NỮ TỬ CÁT MINH VÀ DÒNG CÁT MINH THÁNH ÊLIA

Vài Nét Về Tiểu Sử Cha Sáng Lập

Cha Gioan Indrakusuma O.Carm (hình ảnh cha trước năm 2010)

1.Thời Niên Thiếu

Cha Gioan sinh ra ở Sumberkepuh, trong một ngôi làng nhỏ thuộc phường Warujayeng, của huyện Nganjuk, Đông Java, Indonesia vào ngày 8 tháng 6 năm 1938. Ngài là con thứ 9 trong đại gia đình có 10 anh chị em. Cha mẹ ngài theo Nho giáo pha trộn Phật giáo. Cha ngài là một người có đời sống nội tâm sâu sắc và mẹ ngài là một người rất chính trực, đơn sơ và chất phác. Cả hai đều là những người rất giản dị nhưng họ đã nuôi nấng và đề cao các giá trị đạo đức cho con cái. Năm 1948, cha ngài qua đời và cả gia đình ngài đã chuyển đến Thành Phố Surabaya. Ngài tiếp tục con đường học vấn tại thành phố này cho đến khi trưởng thành. Nơi đây cũng là nơi mà lần đầu tiên ngài bắt đầu làm quen với đạo Công Giáo. Ngài theo học lớp giáo lý vào những ngày Chủ Nhật được vài năm. Vào thời điểm đó, có những cảm nghiệm đặc biệt trong tâm hồn ngài về tình yêu Thiên Chúa dẫu ngài vẫn chưa gia nhập Công Giáo. Ngài cảm nhận những niềm vui và sự đánh động ở các bài học giáo lý, điều này đã làm cho ngài rất siêng năng tham dự các cuộc gặp mặt và học hỏi Tin Mừng vào mỗi Chúa nhật. Mặc dù lúc đó ngài không biết Công giáo là gì, phải làm gì và bắt đầu như thế nào để có thể nhận biết Thiên Chúa một cách sâu sắc hơn nữa, nên mỗi đêm ngài luôn cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, một ngày nào đó khi con lớn lên, con sẽ trở thành một người Công giáo”. Khi vào cấp II, ngài bắt đầu tham gia những khóa học tôn giáo về đạo Công Giáo. Trước niềm tin, lòng yêu mến và sự nhiệt thành này, Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ngài. Cụ thể là ngài chính thức được được gia nhập giáo hội Công Giáo qua nghi thức rửa tội ngày 14 tháng 4 năm 1954 bởi Cha E. Schalkwijk, O. Carm.

Vào năm 1956, khi đang học cấp III thì Chúa bắt đầu gieo vào trong tâm hồn ngài ước muốn thiêng liêng hơn đó chính là được trở thành linh mục. Khi tỏ lộ ước muốn này với gia đình, lúc đầu ngài đã bị phản đối và không cho phép. Nhưng tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang lên trong tim ngài, cuối cùng trước lòng nhiệt thành và sự kiên định ấy, ba mẹ cùng gia đình đã chấp nhận cho ngài theo đuổi ơn gọi. Nói về cuộc sống ơn gọi của cha Gioan Indrakusuma không thể không nói đến sự hướng dẫn và cầu nguyện của Giám mục Albers O.Carm, Giám mục Thành Phố Malang lúc bấy giờ. Đức giám mục Albers chính là cha giải tội và cũng là cha linh hướng cho ngài. Đầu năm 1959, ngài vào Đại Chủng viện ở Lawang khoảng một năm rưỡi để học tiếng Latinh. Trong Đại Chủng viện, niềm khao khát của ngài về một lối sống chiêm niệm bắt đầu hình thành.

2. Vào Dòng Cát Minh          

Năm 1960, ngài bước vào tập viện Cát Minh ở Batu, Đông Java. Trong thời gian tập viện, trong thâm tâm ngài luôn cảm thấy khao khát một đời sống chiêm niệm như các ẩn sĩ Cát Minh tiên khởi trên Núi Cát Minh. Đời sống ơn gọi trong dòng Cát Minh (O. Carm) tiếp tục triển nở. Năm 1967, ngài được thụ phong linh mục ở Malang và sau đó, vào năm 1968, ngài được nhận bài sai đi du học sang Roma trong lĩnh vực linh đạo. Sau khi tốt nghiệp bằng thạc sĩ tại Rôma, năm 1969, ngài được nhận bài sai chuyển đến thành phố Paris, nước Pháp để tiếp tục đào sâu về các lĩnh vực tâm linh và thần học. Ngài theo học tại Học viện Catholique de Paris, bên cạnh đó, ngài cũng tham dự một khóa học tại Ecole des Hautes Etudes ở Sorbonne. Chính tại Học viện Catholique de Paris, cha đã lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1973.

Khi ở Paris, niềm khát khao mãnh liệt về một hình thức sống chiêm niệm lại dần tái hiện, và lúc đó những ý tưởng về một hình thức sống chiêm niệm mà ngài hằng khao khát bắt đầu hình thành. Cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Taize và thầy Roger Schutz, người sáng lập cộng đoàn Taize, đã mở ra một chân trời mới. Thầy Roger Schutz đã từng đề nghị ngài mở một tu viện đại kết ở Indonesia cùng với các thầy Taize. Là một linh mục trẻ, không tránh khỏi những lôi cuốn về lời đề nghị đó, nhưng sau khi phân định trong cầu nguyện, cuối cùng ngài đã từ chối, vì cảm thấy đó không phải là ơn gọi của mình. Tuy nhiên, sự kiện đó đã đánh động cha cách sâu sắc và đưa ra một ý tưởng mới cho tương lai.

Việc quen biết với cộng đoàn nữ tu Bethlehem, Petites Soeurs de Bethlehem, một cộng đoàn chiêm niệm mới, cũng là bước ngoặt cho cuộc đời ngài. Ở Paris, đối với ngài đây là ơn gọi về một cuộc sống chiêm niệm trổi vượt hơn và vươn đến sự trưởng thành. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đầy thân mật với cha Victor Sion, OCD, là cơ hội để ngài có thể thổ lộ tất cả lòng khao khát của mình với cha Victor Sion, và qua buổi gặp gỡ đó ngài đã được củng cố thêm trong hành trình ơn gọi của mình. Cha Victor Sion nói rằng ơn gọi của cha là ở Cát Minh và ở Cát Minh cha có một ơn gọi đặc biệt. Những lời khuyên và sự củng cố tinh thần từ cha Victor Sion thật sự mở ra một cảm nghiệm mới trong hành trình ơn gọi cha Gioan Indrakusuma. Cha Gioan đã sống cùng với cộng đoàn Cát Minh OCD ở một đan viện yên tĩnh tại Gautray, bên lề rừng. Cộng đoàn này là một cộng đoàn chiêm niệm nhỏ và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ngài sống ở đây suốt ba tháng đồng thời cố gắng hoàn thành luận văn tiến sĩ của ngài. Trong khoảng thời gian này, ơn gọi đặc biệt được một lần nữa được củng cố bởi Cha Yves Raguin, SJ (Dòng Tên) từ Đài Bắc, người đã trở thành bạn thân và người linh hướng tốt nhất của ngài. Ngoài ra trong một khóa tĩnh tâm nghiệm nhặt kéo dài 30 ngày ở Manrese, Paris, ơn gọi này một lần nữa được khẳng định cách chính xác bởi Cha Jean Laplace, SJ. Cảm nghiệm từ kì tĩnh tâm đó đã mang lại cho ngài sự kiên định trong việc bước theo ơn gọi đặc biệt trong tương lai.

Năm 1973 cha trở về Indonesia và làm giảng viên tại Đại chủng viện STFT Widya Sasana, Malang cho đến năm 1988 ngài chuyển đến Tây Java. Sau khi trở về từ châu Âu, niềm khao khát sống đời ẩn tu càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cha bày tỏ điều này với ban lãnh đạo tỉnh Dòng Cát Minh và đã được chấp thuận. Ngày 8 tháng 12 năm 1976, cha Gioan cùng với một linh mục Cát Minh khác là cha Cyprianus Verbeek, bắt đầu lối sống ẩn tu tại Ngroto. Nhưng một năm sau thì cha Verbeek rời khỏi ẩn viện và trở về Đan Viện Cát Minh ở Batu. Vì vậy, cha Gioan tiếp tục lối sống này một mình cho đến năm 1979.

3. Ơn Gọi Ẩn Tu: Ngroto, Ngadireso, Cikanyere

Quang cảnh núi đồi nhìn từ nhà dòng – chi nhánh Đan Viện tại Bandol, Bắc Indonesia

Cụ thể hơn về ơn gọi ẩn tu, như đã nói ở trên sau khi trở về từ châu Âu, sau khi ban lãnh đạo tỉnh Dòng Cát Minh Indonesia chấp thuận. Cha Gioan đã mua một mảnh đất ở Ngadireso với giá rẻ, nhưng sau khi mọi người trong tỉnh Dòng biết ý định này, rất nhiều người bắt đầu có những phản ứng ngờ vực khá gay gắt. Sau khi trải qua một quá trình dài nỗ lực, cuối cùng thỏa hiệp được quyết định và tỉnh dòng quyết định cho cha thử nghiệm và bắt đầu cuộc sống ẩn tu ở Ngroto, trên một mảnh đất 5000 m2. Mảnh đất này trước đây là nơi mà một nhóm người đã sống ẩn dật tại đó và cuối cùng đã được dâng tặng cho dòng Cát Minh. Ngroto là một ngôi làng nhỏ thuộc Pujon, Batu, cách thành phố Malang 30 km về phía tây và cách Batu 10 km. Vùng đất này nằm gần một con đường lớn nối liền thành phố Malang-Batu-Kendiri, nhưng không khí khá yên tĩnh và phong cảnh cũng rất đẹp. Trên mảnh đất đó đã có một ngôi nhà nhỏ, đơn giản, được làm từ đá và vách tre. Ngoài ra, xây thêm hai ngôi nhà nhỏ bằng  tre để cho hai linh mục sẽ sinh sống. Tòa nhà cũ được sử dụng làm nhà nguyện và phòng ăn, tất cả đều nhỏ và đơn giản. Lúc đó chưa có điện, nên mỗi người dùng đèn dầu trong căn phòng của mình.

Cuộc sống của cha Gioan tại Ngroto chỉ trong cầu nguyện, thinh lặng và cô tịch như các ẩn sĩ Cát Minh tiên khởi. Đời sống của ngài ở nơi đây nổi bật với bầu không khí thinh lặng. Chính trong thời gian ở Ngroto này, một cảm nghiệm tâm linh đã tác động lớn đến sự ra đời và phát triển sau này của hai Hội Dòng Nữ Tử Cát Minh và Dòng Cát Minh Thánh Elia. Dẫu ước muốn của ngài là chỉ được sống trong cô tịch và thinh lặng, nhưng có rất nhiều giáo dân bắt đầu tuôn đến để được xin cầu nguyện và giúp đỡ. Vào một ngày nọ, khi cha đang cầu nguyện và phàn nàn với Chúa rằng càng ngày càng có quá nhiều khách đến, trong khi cha chỉ muốn sống lặng lẽ và cô tịch. Trong phút linh thiêng ấy, cha nghe thấy tiếng Chúa nói trong tâm hồn rằng: “Gioan, điều nào quan trọng hơn: những ước muốn và lý tưởng của riêng con, hay là ý muốn – của Ta ?  Và cha trả lời ngay: “Lạy Chúa, tất nhiên ý muốn của Ngài là quan trọng hơn hết”.

Từ lúc đó, với một trái tim kiên định nhưng rộng mở, cha bắt đầu kết hợp hai đời sống cô tịch chiêm niệm với việc phục vụ giáo dân, không chỉ cho những người đến, mà thỉnh thoảng cha đi đến phục vụ những nơi mà người ta có ý định mời cha. Từ đây bắt đầu đời sống “lưỡng cư” và đó cũng trở thành nét đặc sắc cho cuộc sống Dòng Nữ Tử Cát Minh và Dòng Nam Cát Minh Êlia sau này. Bởi vì Ngroto được coi là không đủ điều kiện để đạt được mục tiêu như những khao khát có trong lối sống mới, đặc biệt là vì nó quá hẹp và quá gần đường lớn và cũng gần đường đến khu du lịch, là khu du lịch sinh thái Dewi Sri và hồ Selorejo. Cuối cùng cha đã quyết định chuyển đến Ngadireso, trên vùng đất cha đã mua trước đó, nhưng chưa được sử dụng, vì vậy, một mình cha chuyển đến Ngadireso. Và vào ngày 8 tháng 12 năm 1979 ẩn viện Cát Minh Ngadireso đã được khánh thành bởi Cha giám tỉnh JCD Poespowardojo O. Carm, với sự tham dự của khá nhiều linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân. Sau đó cha bắt đầu một mình với đời sống ẩn tu ở Ngadireso. Nếu ngay từ đầu cha nghĩ rằng ở Ngadireso là một nơi xa xôi và tĩnh lặng hơn so với Ngroto, sẽ không có nhiều người đến tìm cha như ở Ngroto nữa, hóa ra mọi việc đi ngược lại so với những suy tính của cha. Ở Ngadireso chính là nơi giáo dân, thậm chí những vị khách ngoại đạo bắt đầu đổ về đó ngày càng nhiều hơn.

            Chính tại Ngadireso, mục vụ chữa lành bắt đầu khởi đi từ đây. Ban đầu mọi người đến Ngadireso mỗi ngày chỉ để xin ý cầu nguyện mà thôi. Và rồi Cha Gioan thấy rằng phương pháp mục vụ này không hiệu quả và cuối cùng cha bắt đầu bị quá tải trong công tác mục vụ này. Vì vậy, cha quyết định một ngày nào đó tập hợp họ, để họ đón nhận bài giảng trước sau đó hướng dẫn họ ăn năn sám hối trước khi cầu nguyện chữa lành. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, số lượng người đổ đến Ngadireso chiếm một nửa không gian nhà nguyện, nhưng lần thứ hai càng đông hơn do đó nhà nguyện không đủ chỗ ngồi cho giáo dân. Vào những lần khác cha cố gắng tổ chức tại nhà ăn của các sơ với hy vọng có thể chứa đủ số lượng giáo dân đến nhưng nhà ăn đó cũng không đủ chỗ. Lần sau đó thuê rạp và hóa ra nó cũng vẫn quá nhỏ. Từ đó, nảy sinh ý nghĩ tự dựng rạp và điều đó đã được thực hiện. Cuối cùng, có rất nhiều người đã đến, bởi vì rất nhiều người đã được Thiên Chúa động chạm, được ơn hoán cải và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, cùng với cảm nghiệm về sự chữa lành thể xác và tâm hồn; những tin tức đó được truyền miệng cách nhanh chóng. Giáo dân đến từ nhiều nơi ở đảo Jawa tuôn đến và thậm chí từ bên ngoài đảo Jawa. Nhưng ở một khía cạnh khác, chính vì nhiều người đổ về Ngadireso, đã bắt đầu xuất hiện những khó khăn khác nhau, đặc biệt là về phía một số người nhất định trong giáo phận. Cuối cùng, khó khăn lên đến đỉnh điểm, dưới sự soi sáng của Thiên Chúa, Cha Gioan quyết định rời Ngadireso và chuyển đến giáo phận Bogor, nơi cha được chào đón với vòng tay rộng mở bởi Đức Cha Ignatius Harsono, Đức Cha nói với cha khi cha đến giáo phận Bogor : “Tôi giống như Gamaliel. Nếu chỉ là công việc của con người, tự nó sẽ tiêu tan. Nhưng nếu đó là công việc của Thiên Chúa, ngay cả khi con người ngăn cản, nó vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Do đó với niềm vui tôi sẽ đón nhận cha trong giáo phận Bogor.” Vì vậy, vào ngày 12 tháng 12 năm 1988, Cha Gioan và các thầy CSE chuyển đến Cikanyere, Cipanas, trong giáo phận Bogor. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1988, trong ngày lễ Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh lễ đầu tiên được dâng tại đan viện Shanti Bhuana, Cikanyere.

Cha Gioan tiếp tục đồng hành và hướng dẫn hai Hội dòng Nữ Tử Cát Minh và Cát Minh Êlia phát triển và mở các đan viện tại nhiều nơi khác nhau ở Indonesia và các quốc gia tại Châu Á khác như Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam với nhiều hình thức mục vụ khác nhau.

Hiện nay khi đã cao tuổi, cha Gioan sống đời cầu nguyện trong sự cô tịch và thinh lặng tại cộng đoàn hoang mạc của các thầy CSE. Ở đó cha cầu nguyện, dâng Thánh Lễ, viết sách, thỉnh thoảng ngài cũng ra ngoài để giảng tĩnh tâm và chia sẻ cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cho các thầy, các sơ và anh chị em giáo dân.

Cha Gioan Indrakusuma, CSE

Sự Ra Đời Của Dòng Nữ Tử Cát Minh Và Dòng Cát Minh Thánh Elia

1. Thành Lập Dòng Nữ Tử Cát Minh

Đời sống ẩn tu của Cha Gioan tại ẩn viện Ngroto đã thu hút khá đông giáo dân và nhiều tu sĩ, trong số đó có một nhóm thiếu nữ muốn sống đời sống như cha. Trước tình hình trên, trong một dịp cha cố Djajus O.Carm, một người ủng hộ ý tưởng ẩn tu của cha đến thăm và ngài nói: “Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt nếu có những ẩn viện dành cho các nữ tu”. Lúc đó, cha Gioan không đưa ra bất kỳ phản ứng nào vì thực sự cha không nghĩ đến việc thành lập một dòng mới cho các nữ tu. Cha chỉ mong muốn sống đời chiêm niệm Cát Minh với một nhóm nhỏ. Dẫu chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập đan viện, nhưng những lời của Cha Djajus rõ ràng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến ý thức và suy nghĩ của cha trong cầu nguyện. Khi cha Gioan chuyển đến Ngadireso, thì có nhiều hơn nữa những người bị thu hút bởi lối sống của cha. Cụ thể một nhóm thiếu nữ với khao khát được dâng mình cho Chúa. Họ năn nỉ cha cho họ được đi theo cha, sống theo linh đạo mà cha đang sống.

Năm 1982, có 2 nữ tu PI (Dòng Chúa Quan Phòng) và một thiếu nữ muốn đi theo lối sống của cha Gioan ở Ngadireso, tuy nhiên vì một số lý do, họ đã bắt đầu lối sống này trước trong một khu nhà mà người ta cho mượn ở Batu. Trải qua nhiều gian nan và trắc trở, các nữ tu này bắt đầu được đón nhận như một hội dòng dưới sự chỉ dẫn của cha Gioan, đồng thời cha cũng được gọi là Đấng Tiên Khởi, cha Sáng Lập. Ngày 19 tháng 3 năm 1982, Cha JCD Djanardono, Giám tỉnh dòng Cát Minh (O.Carm) đã làm lễ thành lập cho hội dòng với tên gọi là DÒNG NỮ TỬ CÁT MINH. Vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1982, cùng với 2 thiếu nữ khác, họ đã đến Ngadireso và bắt đầu cuộc sống Dòng Nữ Tử Cát Minh ở đó. Tuy nhiên, trong lúc đó có nhiều các ứng sinh mới xin gia nhập dòng. Nên vào thời kì đầu này, cha Gioan có nhờ đến sự trợ giúp của sơ Josepha dòng Phanxicô từ Pringsewu trong việc đào tạo tu đức cho các nữ tu trong vòng 2 năm theo tinh thần và linh đạo của ẩn viện. Sau cùng dưới sự hướng dẫn của cha Gioan, họ bắt đầu tách ra và có thể tự lập. Cuộc sống của các vị nữ tu Cát Minh tiếp tục được đánh dấu bởi nét đặc sắc và hòa quyện giữa hai nguồn cảm hứng Cát Minh trong cầu nguyện và phục vụ các nhu cầu và niềm khao khát của dân Chúa dưới tác động của đặc sủng Chúa Thánh Thần.

Ngày 2 tháng 2 năm 2002, Nữ Tử Cát Minh chính thức được giám mục giáo phận Malang, Đức cha HJS Pandoyo O.Carm công nhận là một Hội Dòng Giáo Phận  sau khi nhận được Nihil Obstat từ Tòa Thánh.

Vào ngày 20 tháng 7 năm 2013 dòng Nữ Tử Cát Minh hiện diện tại Việt Nam.

2. Thành Lập Dòng Cát Minh Thánh Elia

Khi cha Gioan vẫn còn ở Ngroto, trong một cuộc họp tu nghị tỉnh dòng Cát Minh Indonesia, đã quyết định rằng mỗi thành viên Cát Minh đã xong tập viện đều có thể gia nhập vào đan viện Cát Minh ở Ngadireso. Và ngược lại, mọi ứng sinh muốn gia nhập với đan viện Cát Minh và trở thành thành viên của Dòng Cát Minh, phải đi theo chương trình tập viện ở Batu trong một năm. Quyết định này sau đó được đưa vào Quy chế tỉnh dòng Cát Minh Indonesia. Nhưng trong thời gian đó, không có tập sinh nào từ Dòng Cát Minh gia nhập với Cha Gioan. Dường như trong kế hoạch của Thiên Chúa suy nghĩ con người thường không thể hiểu được, cụ thể là Dòng Nữ Tử Cát Minh như người chị cả phải ra đời trước, sau đó người em có thể theo sau.

Bây giờ mọi thứ đã trôi qua và chứng kiến sự phát triển sau này, bằng cách thử nhìn lại tất cả những sự kiện này dưới ánh sáng đức tin, rõ ràng tất cả những điều đó đều nằm trong kế hoạch huyền nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sắp xếp như thế để nếu sau này cha phải rời bỏ không đồng hành cùng các nữ tu nữa thì họ có thể tự lập. Từ những sự kiện này cũng trở nên rõ ràng, rằng Thiên Chúa muốn thành lập một hội dòng mới hoàn toàn trong Giáo hội của Ngài, với một hình thức phục vụ cũng mới và là điều thực sự cần thiết cho các tín hữu thời đại ngày nay. Một con đường thật sự bắt đầu.

Thời gian tiếp theo ơn gọi không chỉ phát triển ở dòng Nữ Tử Cát Minh, nhưng cũng thu hút các thanh niên bắt đầu quan tâm đến cách sống này. Năm 1985, 3 thanh niên đến gia nhập với cha Gioan và sống theo cách sống của ngài. Vì vậy, vào giữa năm 1985, họ định cư ở Ngadireso và bắt đầu theo cách sống của Cha Gioan với tư cách dự tu. Vào thời điểm đó, tình trạng của họ vẫn chưa rõ ràng: liệu họ sẽ gia nhập với dòng Cát Minh, hay độc lập. Cũng giống như các sơ Nữ Tử Cát Minh ,họ cũng sống theo sức sống LUẬT DÒNG CÁT MINH  ( REGULA CARMEL)- Tu luật được Thánh Albertus thành Giê-ru-sa-lem viết vào năm 1208 và được Đức Giáo hoàng Innocentius IV sửa lại vào năm 1245. Sau đó họ biên soạn một bản luật dòng tạm thời như một bản diễn giải mang tính thời đại  dựa trên Luật Dòng Cát Minh theo với cách sống và hoạt động phục vụ của họ tới giáo dân.

Trong một khoảng thời gian, nhóm vẫn chưa đưa ra quyết định nào. Vào thời điểm đó, có 3 lựa chọn cần được xem xét. Đầu tiên là nhập với Dòng Cát Minh và đứng dưới tỉnh dòng, theo quyết định của tổng tu nghị Dòng Cát Minh. Thứ hai là gia nhập với Dòng, nhưng yêu cầu đứng ngay dưới Bề trên tổng quyền, một vấn đề đã được đề cập trong cuộc trò chuyện trước đó với ban lãnh đạo tỉnh dòng Cát Minh, nhưng điều đó có thể khá khó khăn. Thứ ba là đứng độc lập, nghĩa là thành lập một hội dòng mới, độc lập với Dòng Cát Minh. Họ bắt đầu cầu nguyện và xin Thiên Chúa hướng dẫn trước khi đưa ra quyết định. Cuối cùng, sau khi cầu nguyện và được củng cố về mặt tâm linh, mọi sự đã trở nên rõ ràng với họ, rằng họ phải lựa chọn phương án thứ ba và là đứng độc lập và tách biệt với Dòng Cát Minh. Vì vậy, vào ngày 20 tháng 7 năm 1986, một hội dòng mới được thành lập và lấy tên là Dòng Cát Minh Thánh Êlia viết tắt là CSE có nghĩa là Cát Minh từ Tiên tri Êlia (Carmelitae Sancti Eliae). Sau đó, những người khác bắt đầu đến và gia nhập với nhóm mới này. Họ sống ở một phần riêng biệt với đan viện Cát Minh Ngadireso. Đây là nơi họ được Cha Gioan hướng dẫn và họ cũng cộng tác vào trong nhiều hình thức phục vụ khác nhau, vì vậy họ cũng dần dần phát triển. Ban đầu, họ chỉ giúp đỡ các sơ, để họ nhìn thấy và tự mình cảm nghiệm những gì người khác đã cảm nghiệm và do đó họ đã lớn lên cách nhanh chóng trong đức tin và niềm tin tưởng trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

Bởi vì hai cộng đoàn mới phát triển khá nhanh, nên với Cha Gioan nhận ra rằng họ không thể tiếp tục ở cùng trong Đan Viện Cát Minh Ngadireso. Vì vậy, cha đã mua một mảnh đất ở ngoại ô thành phố Malang để sẽ trở thành đan viên cho hội dòng CSE, đồng thời cũng là nơi đào tạo họ, vì nó không xa Học viện Triết Thần Malang. Nhưng kế hoạch của con người không phải là kế hoạch của Thiên Chúa và đường lối con người không phải là đường lối của Thiên Chúa, bởi vì trời cao hơn đất chừng nào, thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng trổi vượt hơn tư tưởng con người như vậy. Chính trên mảnh đất này, sau này sẽ trở thành nơi cư trú của các thành viên CSE theo học chương trình thần học. Sau đó vào năm 1988 , do sự khác biệt về nguyên tắc, cha Gioan và các thầy  phải rời bỏ giáo phận Malang. Mặc dù vậy Cha Gioan biết rằng đó là thánh ý Thiên Chúa , họ đã ra đi trong niềm vui và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cuối cùng họ đến giáo phận Bogor, nơi mà Đức Cha Ignasius Harsono dang rộng vòng tay chào đón. Ngày 20 tháng 7 năm 2012 sau khi Đức cha Micae Cosma Anggur, OFM nhận được Nihil Obstat từ Tòa Thánh, Ngài đã chuẩn nhận Dòng Cát Minh Thánh Elia trờ thành Hội Dòng Giáo Sĩ cấp giáo phận.

Hiện nay CSE tiếp tục phát triển và cùng với Dòng Nữ Tử Cát Minh thiết lập các chi nhánh ở nhiều nơi khác nhau với những nhà tĩnh tâm, như ở tại Ngadireso-Giáo Phận Malang, Cikanyere-Giáo Phận Bogor, Ruteng-Giáo Phận Flores, Giáo Phận Medan, Bandol và Beng-kayang ở Giáo Phận Pontianak, Tampusu-Giáo Phận Manado, Tambunan-Sabah-Malaysia, Sibu-Sarawak-Malaysia, ở Trung Quốc và có nhà ở Italia để làm nơi du học cho các thầy và các cha.

Hiện nay các thầy đến từ Việt Nam đang theo đuổi các chương trình thần học, triết học tại Học Viện Thánh Gioan Thánh Giá tại Bandol, Tỉnh Kalimantan, phía Tây Indonesia.

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”

(Gr 1,5)

3. Sự Ra Đời Của Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi

Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi Việt Nam

            Trong nhiều năm sống cầu nguyện và phục vụ dưới tác động của ơn Chúa, đặc biệt là các ân sủng của Chúa Thánh Thần, số lượng giáo dân muốn gia nhập để giúp đỡ và nối rộng cánh tay của 2 hội dòng ngày càng đông. Cha Gioan nhận thấy rõ ràng rằng để lớn lên và phát triển đúng đắn, Phong Trào Đổi Mới Đời Sống Trong Thần Khí của họ cần có một lối sống đặc biệt hơn trong những lời tuyên khấn cụ thể. Chỉ bằng cách đó, họ mới có thể được đào tạo và được trang bị đầy đủ sức mạnh của Chúa qua các đặc sủng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, trong một khóa tĩnh tâm được tổ chức vào ngày 9-11-1987 tại Ngadireso và có sự tham dự của các giáo dân đến từ các giáo phận Malang và Surabaya, đã diễn ra nghi thức trọng thể cho sự ra đời một Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi. Cụ thể vào ngày 11 tháng 1 năm 1987, Huynh Đoàn Giáo Dân được thành lập dưới sự hướng dẫn và đồng hành của cha Gioan. Linh đạo dòng cùng lấy nguồn cảm hứng từ Dòng Nữ Tử Cát Minh (P.Karm) và Dòng Cát Minh Thánh Ê-li-a (CSE). Dòng được lấy tên là: Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi (Komunitas Tritunggal Mahakudus-KTM). Huynh đoàn được nhắm đến mục đích đào tạo các thành viên hội dòng trở thành muối men cho Giáo hội tại nơi họ sinh sống.       

Hiện nay, Huynh Đoàn Chúa Ba Ngôi (KTM) đã phát triển ở hầu hết các giáo phận ở Indonesia cũng như ở nhiều quốc gia khác nhau như Inđônexia, Malaysia, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Việt Nam… Số lượng thành viên đã lên đến hàng chục ngàn. Theo định kỳ họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi ,được đào tạo và đồng hành bởi hai Hội dòng Nữ Tử Cát Minh và CSE.