ƠN GỌI CỦA DÒNG NỮ TỬ CÁT MINH VÀ DÒNG CÁT MINH THÁNH ÊLIA GIỮA LÒNG GIÁO HỘI
Lịch sử Giáo Hội cảm nghiệm sâu sắc hoạt động của Thiên Chúa qua nhiều hình thức khác nhau. Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và hướng dẫn Hội Thánh đã không ngừng hoạt động trong và qua Giáo Hội để đổi mới Giáo Hội. Dẫu biết rằng, sự hiện diện và những tác động của Chúa Thánh Thần là hiện hữu, nhưng Ngài vẫn thường hay bị lãng quên, thậm chí được xem là đã “ngủ quên”. Qua chiều dài lịch sử của Giáo Hội, kinh nghiệm đã cho thấy rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa vượt quá mọi trí hiểu của con người và dường như đường lối Thiên Chúa luôn được hiểu khác so với đường lối con người chúng ta.
Vào những hoàn cảnh mà chúng ta cho rằng Thiên Chúa đang “ngủ quên”, sự thật thì Ngài vẫn luôn hiện diện. Ngài là Thiên Chúa Hằng Sống, Lời Ngài vẫn vang vọng, Lời Ngài chữa lành, biến đổi và cứu rỗi. Bằng chứng đó chính là những công trình vĩ đại của Thiên Chúa luôn tỏ lộ trong suốt chiều dài lịch sử loài người, đặc biệt là qua biến cố Nhập Thể và Phục Sinh của Con Một Ngài – Đức Giê-su Ki-tô cùng sự hiện diện Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cho đến hôm nay.
Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong Lời của Ngài. Vào từng hoàn cảnh và từng giai đoạn, Ngài chọn và gọi những nhân vật điển hình để trở thành cánh tay nối dài công trình cứu độ. Thiên Chúa phán với dân thánh Ngài bằng những cách thức khác nhau, để nhờ vậy Lời Ngài có sức ảnh hưởng cách tích cực và phù hợp với từng bước tiến của thời đại. Như trong thời đại chúng ta ngày nay, thời đại mà ai ai cũng có thể cảm nhận được sự phát triển lớn mạnh của thế giới công nghệ và kỹ thuật số đang dần lấn sâu vào mọi lĩnh vực cuộc sống. Trong sự phát triển này, ở một khía cạnh đã mang nhiều lợi ích cho con người, ví dụ như sức khỏe, phương tiện truyền thông, giao thông vận tải,… Nhưng ở một khía cạnh khác, nó tạo ra sự hỗn loạn và suy đồi luân lý ngay trong những vấn đề nền tảng hay nhân bản sống con người, ví dụ như vấn đề an tử-trợ tử (euthanasia), phá thai, thụ tinh trong ống nghiệm, thay đổi giới tính, kết hôn đồng tính,… Sự suy thoái đạo đức kéo theo sự suy giảm, khô khan, và nguội lạnh trong đời sống tâm linh, vì thế ngọn lửa yêu mến, tinh thần phục vụ trong Giáo Hội đang dần tắt đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống giáo dân mà còn đến cả đời sống tận hiến của các vị linh mục tu sĩ. Trong bối cảnh đó, một trong những hoạt động tích cực của Giáo Hội trong khủng hoảng thời đại này đó chính là sự ra đời của Công Đồng Vaticano II.
Công Đồng diễn ra từ ngày 11 tháng 10 năm 1962. Thánh Lễ khai mạc do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chủ tế và thánh lễ bế mạc do Đức giáo Hoàng Phaolô VI chủ tế vào ngày 8 tháng 12 năm 1965. Diễn ra trong khoảng thời gian 3 năm 3 tháng, Công Đồng đã làm nên một sự đổi mới táo bạo trong toàn thể Hội Thánh Công Giáo. Như lời của Đức Thánh Cha Phao-lô VI cho rằng Công Đồng đã thổi một “luồng gió mới” vào trong giáo hội, dẫu nhiều người vẫn còn cho rằng “luồng gió mới” này đã ít nhiều gây nên những sự ngờ vực và tranh cãi, nhưng thời gian và thực tế đã chứng minh rằng Công đồng Vaticano II là công trình của Thiên Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Công Đồng đã mở toang nhiều cánh cửa vẫn còn đang khép kín trong Giáo Hội và nhờ đó Thần Khí Thiên Chúa có thể thổi vào lòng Hội Thánh với một nguồn sức sống tươi mới, tràn đầy niềm tin, lạc quan và hy vọng.
Thời đại ngày hôm nay trong Giáo Hội, xuất hiện nhiều cộng đoàn mới không chỉ dành cho tu sĩ nhưng còn cho giáo dân với nhiều hoạt động mục vụ hữu ích cho phần rỗi linh hồn của dân Thánh Chúa. Đây chính là một trong những hoa trái Chúa Thánh Thần, hay chính xác hơn như lời đánh giá của Đức Thánh Cha Phao-lô VI về “một mùa xuân mới”, mùa của hồng ân và mùa của nguồn ân sủng Chúa Thánh Linh. Nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đoàn này mà bộ mặt của Giáo Hội không ngừng được biến đổi theo hướng tích cực, đồng thời cũng tỏ ra rằng Giáo Hội Công Giáo là một thực tại mang tính chân thực, vĩnh viễn và thiêng liêng. Vì thế chúng ta có thể luôn hãnh diện về sự phong phú của Giáo Hội qua nhiều ơn sủng và đặc sủng Chúa Thánh Thần.
Có thể nói rằng, một trong những tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội đó chính là sự ra đời của Dòng Nữ Tử Cát Minh (The Daughter of Carmel) và Dòng Cát Minh Thánh Êlia (Carmelitae Sancti Eliae-CSE). Sự có mặt của hai hội dòng đã làm cho nguồn ân sủng của Chúa Thánh Thần trở nên sống động qua công tác mục vụ dân Chúa như: truyền giáo tại các vùng sâu vùng xa, giảng dạy tĩnh tâm, tư vấn-đồng hành thiêng liêng, cầu nguyện chữa lành nội tâm và thể lí, giáo dục và đào tạo chính quy, trung tâm thần học và triết học cho giáo dân và các tu sĩ nam nữ,… Tất cả các mảng mục vụ này đáp ứng một cách chính xác sự khao khát, mong đợi và những nhu cầu thực tế cả thể xác lẫn tâm hồn cho đoàn dân Chúa.
Linh Đạo sống Dòng Nữ Tử Cát Minh và Dòng Cát Minh Thánh Êlia đặt nền tảng trên nền linh đạo Cát Minh tiên khởi kết hợp với Linh Đạo Đổi Mới Đời Sống Trong Thần Khí. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, toàn thể thành viên hai Hội Dòng mang trong mình hai đường hướng mục vụ sống động :
-Thứ nhất: đó chính là cảm nghiệm Thiên Chúa qua cầu nguyện, suy niệm, ăn chay, hãm mình trong cô tịch và thinh lặng
-Thứ hai: là ra đi loan báo Tin Mừng, hăng say phục vụ dân Chúa và mang họ đến cùng một cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa. Các tu sĩ nam nữ dòng Nữ Tử Cát Minh (Putri Karmel) và Dòng Cát Minh Thánh Êlia (viết tắt: CSE) thời đại hôm nay không chỉ sống thu mình trong bốn bức tường của nhà dòng nhưng “ra đi” để phục vụ và hòa mình vào đoàn chiên dân Chúa.
Linh Đạo Đổi Mới Đời Sống Trong Thần Khí mang con người đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt với Chúa Giê-su. Cảm nghiệm này không chỉ được xây dựng trên nền tảng đức tin, nhưng còn trong cảm nghiệm sống cùng Thiên Chúa một cách thực tế và sống động. Bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, con người được nâng đến một chiều kích tâm hồn cao hơn, gần gũi hơn với Chúa Giê-su. Vì vậy con người dễ dàng đi vào mối tương quan với Thiên Chúa và đặt để Ngài trở nên trót đỉnh và cùng đích duy nhất của cuộc sống. Như vậy con người sẽ đi vào những cảm nghiệm riêng tư và sống động cùng Thiên Chúa qua Lời Hằng Sống của Ngài. Trong Chúa Thánh Thần, con người được mặc lấy một đời sống mới, một đời sống nội tâm thiêng liêng và sâu sắc. Trong chiều kích tích cực và đầy tràn ân sủng, con người mang trong mình “sự sống trong Thần Khí”. Cuộc sống này không ngừng biến đổi và triển nở đến mức toàn vẹn và tuyệt hảo.
Cát Minh đã đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển Giáo Hội. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Dòng Nữ Tử Cát Minh và Dòng Cát Minh Thánh Elia tự bản thân cũng được làm cho trở nên phong phú bởi các đặc sủng Chúa Thánh Thần. Qua linh đạo sống, đường hướng hoạt động, và những lời dạy của các vị thánh Cát Minh, Cát Minh chỉ cho chúng ta thấy được đường hướng và mục đích sống của người Kitô Hữu, đó chính là đường hướng Tin Mừng kêu gọi con người hướng trọn tâm hồn về Thiên Chúa, khao khát để được kết hợp mật thiết với Ngài trong sự hợp nhất chuyển hóa (theo Thánh Gioan Thánh Gía). Bởi chính sự phong phú của truyền thống Cát Minh, tất cả những cản trở, khó khăn và nguy hiểm trong đời sống thiêng liêng được đẩy lùi. Con người được hướng dẫn để vượt qua mọi thử thách, khó khăn để sẵn sàng bước tiếp trên con đường nên thánh. Chính nhờ điều này mà sự hiện diện của Cát Minh càng trở nên sống động và gần gũi. Đây là lý do tại sao dòng Nữ tử Cát Minh với Dòng Nam Cát Minh Thánh Êlia muốn hòa quyện linh đạo sống Cát Minh với các đặc sủng Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, sự hỗ tương giữa hai đường hướng linh đạo này cũng tạo nên một nét đặc sắc, riêng biệt và độc đáo cho Cát Minh nói chung và cho dòng Nữ Tử Cát Minh và dòng Cát Minh Thánh Elia nói riêng.
Bản dịch từ sách Vẻ đẹp Cát Minh của Cha Sáng Lập Dòng.
Cha Yohanes Indrakusuma, CSE