Trang chủTHƯ VIỆNSống ĐạoTẠI SAO TÔI TỒN TẠI ?

TẠI SAO TÔI TỒN TẠI ?

Con người được tạo dựng với mục đích là để thông phần vào cuộc sống của Thiên Chúa, và đó là cơ sở chính yếu cho phẩm giá của con người. (Thánh Catarina thành Siena)

Một ngày nọ, có một giám đốc điều hành trẻ tuổi tên là Martin, vừa được bổ nhiệm làm quản lý và đang sống thoải mái. Mỗi tối, anh luôn ra ngoài quán cà phê, vừa nhâm nhi cà phê vừa xem TikTok trên chiếc điện thoại. Anh có rất nhiều người bạn. Cuộc sống của anh dường như là hoàn hảo không có điều gì sai trái. Cho đến một ngày anh bắt đầu cảm thấy nhàm chán, mọi công việc không còn thú vị nữa. Tâm hồn anh cảm thấy nhạt nhẽo, trống rỗng và mọi thứ không đủ làm cho anh hạnh phúc. Trong cơn bối rối, anh bắt đầu tự hỏi trong lòng: Mục đích thực sự của cuộc đời mình là gì? Tại sao mình thấy mọi thứ nhạt nhẽo thế này? Tại sao mình luôn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó?

Nỗi khát khao vươn tới niềm hạnh phúc thiêng liêng

Anh chị em thân mến! đã bao giờ anh chị em tự đặt câu hỏi như Martin chưa? Điều này là bình thường, vì khi còn trẻ chúng ta luôn tìm danh tính của bản thân, bao gồm cả ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại của chúng ta trên cuộc đời này. Anh chị em có biết không, thực ra câu hỏi này là sự biểu lộ con tim chúng ta là khao khát được trở về với Thiên Chúa, nơi mà chúng ta xuất phát và mục đích cuối cùng nơi chúng ta trở về.

Tại sao Thiên Chúa gieo ước muốn này? Vì Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc ở đây không phải là những gì được cung cấp/trao mời bởi thế gian, nhưng là niềm hạnh phúc thiêng liêng được Chúa Giê-su truyền dạy qua 8 Mối Phúc Thật (Mt 5,1-12). Điều đó cũng được nói trong SGLHTCG 27: Con người khao khát Thiên Chúa

Tận  đáy  lòng,  con  người  khao  khát  Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người  đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người  mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.

Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người  được  kêu  gọi  tới  kết  hiệp  với  Thiên  Chúa.

Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã đƣợc mời gọi đối thoại với Thiên Chúa : thực thế, sở dĩ con người hiện hữu là do Thiên Chúa đã vì yêu thương mà tạo dựng con ngƣời,và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; và con người chỉ sống hoàn toàn theo  chân  lý  một  khi  tự  ý nhìn  nhận  tình  yêu  ấy  và phó  thác  đời  mình  cho  Đấng  tạo  dựng  mình  (GS 19,1).
SGLHTCG 1718: Khát vọng hạnh phúc

Các mối phúc đáp ứng khát vọng tự nhiên của con người là muốn được hạnh phúc. Khát vọng này bắt nguồn từ Thiên Chúa. Người đã đặt nó trong tâm hồn con người để lôi kéo họ đến với Người, Đấng duy nhất có thể thỏa mãn khát vọng này:
-Mọi người đều muốn sống hạnh phúc. Chẳng ai phủ nhận điều này, dù họ không nói ra (Thánh Augustino).
-Lạy Chúa, con phải tìm Chúa thế nào? Vì khi con tìm Chúa là Thiên Chúa của con, là con tìm hạnh phúc. Con muốn tìm Chúa để linh hồn con được sống vì thân xác sống nhờ linh hồn và linh hồn con sống nhờ Chúa (Thánh Augustino, tự thuật 10,29)
-Chỉ có Chúa mới làm con no thỏa.(Thánh Tô-ma Aquinô, kinh Tin Kính 1)

Tại sao tôi tồn tại?

Mỗi chúng ta đều tồn tại và được tạo dựng vì có mục đích sống. Mục đích sống này sẽ dẫn chúng ta đến niềm hạnh phúc thiêng liêng. Mục đích này không thể tìm thấy được từ những gì có trong thế gian như: học tập, công việc, sở thích, giải trí, thậm chí cả ước mơ của chúng ta. Trong Đức Kitô chúng ta có thể biết điều gì là ý định của Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy bằng 2 cách:

-Thứ nhất là hỏi trực tiếp Thiên Chúa thông qua việc cầu nguyện .

-Cách thứ 2 : nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta thông qua Lời Ngài.

Dưới đây là năm mục đích sống của con người với tư cách hình ảnh của Thiên Chúa:

1. Nhận biết Thiên Chúa một cách cá vị

Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta vì tình yêu mà Ngài dành cho con người. Con người trở thành điều ưu tiên trong tình yêu của Người. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước khi thế gian được tạo thành. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).

Vì tình yêu cao cả của Ngài đối với chúng ta, nên chúng ta cần nhận biết Ngài một cách cá vị. Đức Giê-su nói với chúng ta: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mat 22,37-38).  Hãy có mối quan hệ mật thiết với Chúa giống như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ sẽ luôn quan sát, đồng hành và theo dõi quá trình trưởng thành của con mình. Tương tự như vậy, Thiên Chúa của chúng ta luôn yêu thương chúng ta với một tình yêu vô hạn.

Sự nhận biết sâu sắc  hơn về Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tránh khỏi mọi lo lắng. Bao gồm cả những lo lắng về tương lai, và có thể dành ưu tiên cho những gì thực sự là quan trọng cho cuộc sống của chúng ta. Vì Thiên Chúa chúng ta là Đấng thấu hiểu những gì chúng ta cần (Mt 6,32). Trong số 40 Hiến chế tín lý về giáo hội Lumen Gentium dạy chúng ta làm sao để trưởng thành trong sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn vẹn của tình yêu thương giúp chúng ta có thể yêu thương người khác.

2. Yêu thương người khác

Mỗi chúng ta là thành phần của Nhiệm Thể Đức Kitô. Đức Kitô là đầu, tất cả chúng ta đều là chi thể của Người (x. 1Cr 12,12-30). Chúng ta trở thành thành phần trong gia đình Thiên Chúa, đó là Hội thánh của Thiên Chúa hằng sống. Trong gia đình của Ngài, chúng ta học cách yêu thương nhau. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta cũng nói: “Hãy lan tỏa tình yêu thương tới bất cứ nơi đâu bạn đến. Đầu tiên trong ngôi nhà của bạn. Đừng để bất kỳ ai đến với bạn mà không cảm thấy tốt hơn và hạnh phúc hơn”.

Chúng ta cũng có thể học cách yêu thương nhau trong cộng đoàn, đặc biệt là trong nhóm của mình. Chia sẻ kinh nghiệm với nhau và học cách lắng nghe nhau. Hoặc, khi có bạn bè đang gặp khó khăn, chúng ta cùng nhau giúp đỡ qua lời cầu nguyện và có thể giúp đỡ trực tiếp thì càng tốt.

3. Trải nghiệm sự trưởng thành tâm linh

Sự  lớn lên trong đời sống thiêng liêng có mối liên quan chặt chẽ với việc sống thánh thiện, thậm chí sự thánh thiện là mục tiêu và hoa trái của sự lớn lên. Chúng ta được mời gọi sống thánh thiện bằng cách sống đầy ắp tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân .

Ngươi phải yêu mến Đức  Chúa, Thiên Chúa  của ngươi,  hết  lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12,30-31).

Thường thì chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện là một cái gì đó xa vời và lớn lao. Ngay cả bản thân mỗi người trong chúng ta cũng cảm thấy không xứng đáng hoặc chưa đến lúc thực hành cho những điều thánh thiện. Trong khi đó, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói “Sự thánh thiện bắt đầu từ những việc nhỏ và những điều đơn giản được thực hiện với tình yêu lớn lao”. Chúng ta lấy một ví dụ khi họp nhóm chúng ta cố gắng đến đúng giờ thậm chí trước đó để chuẩn bị tâm hồn và giúp chủ nhà chuẩn bị không gian, hoặc chuẩn bị các bài hát và những thứ khác..vv..Qua những điều nhỏ bé này, chúng ta sẽ được Chúa Kitô uốn nắn để nên đồng hình đồng dạng với Ngài và được thông phần trong vinh quang của Ngài “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. “(1 Pr 4,13).

4. Phục vụ tha nhân

Yêu thương anh em nghĩa là phục vụ Thiên Chúa qua tha nhân. Mỗi người chúng ta chắc chắn đều được Chúa ban cho những tài năng khác nhau. Những tài năng đó cần được làm cho phát triển (xem Mt 25,14-30), và một trong những cách thức đó là phục vụ người khác. Thánh Phêrô cũng nói: Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. (1 Pr 4,10). Việc phục  vụ đó có thể ở trong giáo xứ hoặc cộng đoàn của chúng ta, bất kể là trong nhóm, khu, miền. Cũng có thể được thực hiện trong gia đình, nơi làm việc, trường học và nơi những bạn bè của chúng ta.

5. Nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo và làm việc bác ái

Chúng ta được mời gọi để được sai đi, giống như Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đến thế gian: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con  cũng  sai  họ  đến  thế  gian. “(Ga 17,18).

Chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế gian (Mc 16,15). Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội, có thể là đăng trích dẫn Kinh Thánh, các câu danh ngôn các Thánh hoặc các bài chia sẻ, các bài suy niệm, các bài giảng  của Linh mục / Giáo hoàng/ các tu sĩ, những video ngắn, và những câu chuyện về chứng từ đức tin Công Giáo.

Sử dụng các phương tiện truyền thông này cách sáng tạo, phối hợp chúng một cách hài hòa để việc loan báo Tin Mừng trở nên sống động hơn, hiệu quả hơn và có khả năng tiếp cận với cộng đồng một cách rộng lớn hơn.

Chúng ta hãy bắt đầu tìm kiếm mục đích sống của mình. Việc nhận biết mục đích sống giúp sẽ giúp chúng ta ngày càng nhận biết thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta đáp trả lại lời mời gọi của Ngài và can đảm tiến bước trong chương trình tình yêu của Ngài.

Chuyên đề

Xem tiếp...