LECTIO DIVINA

I. GIỚI THIỆU:

Lectio Divina trong tiếng Latinh có nghĩa là một việc “đọc về Chúa”, “đọc về tâm linh”, hay “đọc về điều thánh”. Đây cũng là một phương pháp cầu nguyện nhằm mục đích thúc đẩy mối tương quan với Thiên Chúa. Lectio Divina nghĩa là “đọc sách Thánh trong tinh thần cầu nguyện”. Đây là một danh xưng dùng cho việc vừa đọc vừa suy gẫm Thánh kinh. Phương thức Lectio Divina đến từ Origenes. Ngay từ đầu, Lectio Divina là bài đọc Kinh thánh của các Kitô hữu để củng cố đức tin, đức cậy và đức mến của họ. Lectio Divina cũng cổ xưa như chính Hội thánh, một Hội thánh vốn sống nhờ Lời của Thiên Chúa, và lệ thuộc vào Lời Thiên Chúa như nước với nguồn (Hiến chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum 7,10,21).

Lúc đầu, các bài đọc Kinh thánh không có tổ chức và phương pháp. Những gì đã có, chỉ là thực hành đạo đức bình dân của Kitô hữu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc hệ thống hóa Lectio Divina thành bốn bước chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ mười hai. Khoảng năm 1150, Guigo, một tu sĩ, đưa ra lý thuyết về bốn bước trong việc đọc Kinh thánh. Cha Guigo đặt tên cho bốn bước của Lectio Divina là: lectio, meditatio, oratio, contemplatio, mà chúng tôi xin dịch vắn tắt là “đọc, suy, cầu, ngắm”. Tác giả mô tả bốn chặng tựa như bốn cấp bậc của chiếc thang đưa người đan sĩ từ đất lên trời.

Một hôm, đang khi mải miết với công tác lao động, tôi bắt đầu nghĩ tới hoạt động tinh thần của con người, bỗng nhiên tôi thấy bốn bậc thang tâm linh: đọc (lectio), suy (meditatio), cầu (oratio), ngắm (contemplatio). Đây là chiếc thang của các đan sĩ, nhờ đó họ có thể được nâng lên từ đất đến trời. Tuy chiếc thang ấy có ít bậc thôi nhưng thực sự rất to lớn: chân của nó cắm ở dưới đất, nhưng đỉnh của nó xuyên qua tầng mây và thấu nhập những bí nhiệm trên trời.

II. MỤC ĐÍCH CỦA LECTIO DIVINA
Chúng tôi cố gắng hiểu những gì Kinh thánh nói: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).

Chúng ta nhai và nghiền Lời Chúa trong miệng bằng cách đọc trong tâm hồn, bằng cách thinh lặng và cầu nguyện; và chúng ta thực hành trong cuộc sống của chúng ta bằng đức tin được củng cố bằng sự chiêm ngắm.

Mục tiêu của Lectio Divina là mục tiêu của Kinh Thánh, đó là: “Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (2 Tm 3,15).

Để dạy chúng ta, hướng dẫn khi chúng ta chúng ta sai lỗi, sửa chữa hành động của chúng ta và giáo dục mọi người về sự thật và do đó dẫn dắt dân Chúa làm việc lành (x. 2 Tim 3,16-17).

Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên
công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.”

Để giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm của những người đi trước tôi để chúng ta không rơi vào những lỗi lầm/ tội lỗi tương tự (x. 1 Cr 10,6-10).

III. BỐN BƯỚC CỦA LECTIO DIVINA

Các nguyên tắc của Lectio Divina đã được diễn đạt vào khoảng năm 220 và sau đó được tập luyện bởi các tu sĩ Công giáo, đặc biệt là các qui tắc trong tu viện của Thánh Pachomius, Augustine, Basil, và Benedict.

Bốn bước của Lectio Divina là: đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để phân biệt bước này với bước kia. Những gì một người nói về việc đọc có thể được người khác áp dụng vào suy niệm, v.v. Chẳng hạn, thái độ đọc có thể tiếp tục vào suy ngẫm. Bốn bước này tồn tại và tiếp tục cùng nhau trong suốt quá trình của Lectio Divina, mặc dù với cường độ khác nhau tùy theo từng giai đoạn của mỗi người.

Bước đầu tiên: Đọc (Lectio)
Đọc có nghĩa là nghiền ngẫm Kinh Thánh với sự chuyên cần và chú ý cao độ. Bằng cách đọc to rõ ràng, chậm rãi, chúng ta đặt Lời Chúa vào miệng như khi chúng ta đặt thức ăn vào miệng.

Đọc là bước khởi đầu. Bước này cho phép độc giả giữ chân trên mặt đất. Điều này là cần thiết để chuẩn bị cho suy niệm và đối thoại với Thiên Chúa, để suy niệm không chỉ đơn giản là thành quả của trí tưởng tượng của chúng ta mà dựa trên bản văn Kinh thánh. Đọc một cách chăm chú, giúp chúng ta không hiểu sai bản văn Kinh thánh hoặc thu hẹp nó theo ý kiến riêng của chúng ta, bởi vì chính bản văn có một ý nghĩa sâu sa, độc lập với người đọc. Ở đây, việc học và nghiên cứu Kinh thánh giúp chúng ta thực hiện Lectio Divina tốt hơn. Chúng ta cần hiểu đoạn bản văn Kinh thánh trong bối cảnh của nó.

Ghi Chú:

Đối với những người có khả năng, tốt hơn hãy nghiên cứu về Kinh thánh theo các khía cạnh văn học, lịch sử và thần học. Người ta phải cẩn thận với những diễn giải mang tính duy lý và không có đức tin, điều mà chúng ta vẫn thường gặp trong các nghiên cứu về Kinh thánh. Bên cạnh đó, chúng ta nên biết rằng để thực hiện Lectio Divina không nhất thiết phải nghiên cứu học thuật, chúng ta cũng nên biết rằng tất cả những điều này không phải là mục đích của Lectio Divina, mà chỉ là phương tiện để đạt được mục đích.

Bước đầu tiên này nhằm trả lời câu hỏi: Bản văn muốn nói gì ?

Chúng ta phải đọc bản văn một cách chăm chú và tôn kính vì mỗi từ đến từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời này theo một cách rất riêng tư. Hãy nhớ rằng Lời Chúa là để nhớ về Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô.

Khi chúng ta đọc bản văn nhiều lần cho chính mình để trái tim của chúng ta tập trung vào Lời Chúa, chúng ta đang đi vào tâm nguyện. Nếu có một ý tưởng hoặc một từ nào đó đánh động, chúng ta nên dừng ở đó.

Việc Đọc phải đưa chúng ta đến gần bản văn thậm chí đến mức bản văn trở thành lời của chúng ta. Cassian nói: Nội dung bản văn thấm vào chúng ta giống như cách nó thâm nhập vào tác giả Kinh thánh, để như thể chúng ta trở thành tác giả của chính bản văn. Chính tại thời điểm này, chúng ta có thể biết rằng Chúa đang cố gắng nói điều gì đó với chúng ta. Lúc này, chúng ta cúi đầu, im lặng và mở tai ra: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 85,9). Tại thời điểm này, người đọc chuyển sang bước thứ hai, đó là suy niệm.

Bước thứ hai: Suy niệm (Meditatio)

Nếu bước đầu tiên cố gắng trả lời câu hỏi: Bản văn nói gì? Thì bước thứ hai cố gắng trả lời câu hỏi: Bản văn nói gì với tôi ngay lúc này, ngay nơi đây ?

Do đó, chúng ta bắt đầu nghiền ngẫm Lời Chúa trong miệng, và chúng ta đã bắt đầu suy niêm về bản văn. Suy niệm có nghĩa là nghiền ngẫm Lời Chúa trong thinh lặng và cảm nếm từng câu từng chữ Lời Chúa để sàng lọc ý nghĩa của nó.

Đặt những câu hỏi phản ánh Bản Văn:  

– Những điểm tương đồng và khác biệt giữa tình huống trong đoạn Tin Mừng và tình huống hiện tại là gì?

– Những mâu thuẫn nào xuất hiện trong đoạn Tin Mừng cũng như trong tình huống hiện tại?

– Đoạn Tin Mừng nhắn nhủ gì đến tình hình hiện tại?

– Bản văn muốn tôi thay đổi điều gì?

– Điều gì, theo đoạn Tin Mừng, phải phát triển trong tôi?

Mỗi từ của đoạn Tin Mừng nên được áp dụng cho chính tôi. Điều quan trọng cần lưu ý trong bước này là một quá trình của trực giác. Chúng ta thực hành bằng cách đọc đoạn Tin Mừng nhiều lần như thể đó là một bức thư tình. Chúng ta thưởng thức từng từ cho đến khi Lời trở thành một phần của chính chúng ta. Nếu chúng ta đọc một lá thư từ người mình yêu, chúng ta thậm chí còn thuộc từng câu từng chữ.

Những người thực hành suy niệm, sống và cảm nhận sự thật ẩn giấu trong Lời Chúa và biến nó thành sự khôn ngoan cho chính họ trong cuộc sống của họ.

Suy niệm thực sự là lắng nghe những từ được đọc đi đọc lại để tìm nghĩa của từ đó. Thật khó để nói khi một người chuyển từ suy niệm sang cầu nguyện cũng như rất khó để nói khi một người chuyển từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, có một tiêu chí mà chúng ta có thể sử dụng. Suy niệm mở ra cho chúng ta ý nghĩa của đoạn Tin Mừng, làm cho nó phù hợp với hoàn cảnh sống  của chúng ta hiện tại và cho chúng ta một ý tưởng về những gì Thiên Chúa muốn từ chúng ta.  

Khi chúng ta có một ý tưởng rõ ràng về những gì Chúa muốn ở chúng ta, thì đó là lúc để hỏi: Tôi muốn nói gì với Chúa? Tôi có chấp nhận hay không? Nếu những gì Chúa yêu cầu là rõ ràng, thì những hạn chế, trở ngại và sự thiếu khả năng của chúng ta cũng trở nên rõ ràng. Sau đó, chúng ta có thể cầu xin Ngài: “Lạy Chúa xin hãy đến thương giúp con (Tv 44,27).

Nói cách khác, suy niệm là hạt giống của cầu nguyện.

Thánh Têrêsa Avila đã thêm một yếu tố quan trọng để giúp chúng ta suy niệm, đó là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Thánh Têrêsa Avila dạy chúng ta phải nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa rất gần chúng ta.

Bước thứ ba: Cầu nguyện (Oratio)
Khi chúng ta đọc, chúng ta hỏi, Đoạn Tin Mừng này nói gì? Trong suy niệm chúng ta hỏi, đoạn Tin Mừng này nói gì với tôi? Trong phần cầu nguyện, chúng ta hỏi, đoạn Tin Mừng này kêu mời tôi nói gì với Chúa?

Trong bước thứ ba, chúng ta đáp lại và bày tỏ trước sự hiện diện của Thiên Chúa những gì đánh động trong chúng ta bởi Lời Chúa mà chúng ta đã suy niệm. Cầu nguyện là một lời đáp lại Lời Chúa xuất phát từ trái tim của chúng ta. Lời cầu nguyện này có thể ở dạng cầu xin, ngợi khen, tạ ơn hoặc thống hối. Chúng ta có thể bày tỏ lời cầu nguyện trong cuộc trò chuyện với Chúa Giêsu hoặc Chúa Cha, và đôi khi với Chúa Thánh Thần, một cách tự nhiên, như với một người bạn đang nói chuyện với một người bạn yêu thương, như Thánh Têrêsa Avila nói: Cuộc trò chuyện này nên tự phát, đơn giản, tự nhiên và không giả tạo. Để nó không trở thành một cuộc độc thoại, lời cầu nguyện này phải tiến vào chiêm ngắm.

Bước thứ tư: Chiêm ngắm (Contemplatio):

Nếu đọc Lời Chúa nhiều lần là đặt Lời Chúa trên môi, suy niệm là đặt Lời Chúa trong tư tưởng, và cầu nguyện là đặt Lời Chúa trong tâm hồn chúng ta, sau đó, qua sự giúp đỡ của ơn Chúa, chiêm ngắm sẽ khắc sâu Lời Chúa vào linh hồn chúng ta.

Suy niệm xuất phát từ tiếng Latinh “contemplare”, có nghĩa là nhìn ngắm. Lời cầu nguyện của chúng ta thay đổi từ một cuộc trò chuyện thành ánh mắt yêu thương trong đức tin, trong thinh lặng, không lời, không ý niệm. Nếu lúc đầu, sự suy niệm này là ngắn gọn, dần dần, nếu chúng ta trung thành, nó sẽ kéo dài hơn, và nếu Chúa muốn, một người có thể chìm vào một sự thinh lặng tuyệt vời và sẽ được thấm nhuần trong Thiên Chúa.

Trong sự thinh lặng và bình an này, Thiên Chúa đổ tình yêu và sự khôn ngoan của Ngài. Mặc dù vậy, đừng cố gắng duy trì trạng thái đó bằng cách gồng mình nếu bạn không bị thôi thúc từ bên trong, bởi vì nếu không thì sự thinh lặng chỉ là sự trống rỗng vô ích. Mặt khác, nếu bạn được lôi cuốn vào một sự thinh lặng từ bên trong, đừng sợ hãi, bởi vì đây thực sự là một ân sủng lớn.

Chúng ta có thể thinh lặng trong sâu thẳm tâm hồn, chờ đợi, chiêm ngắm và cảm nhận sự hiện diện của Ngài vượt qua mọi lời nói. Chúng ta gặp gỡ với Lời Chúa. Chúng ta được nâng lên để biết Ngài là người đầu tiên biết rõ chúng ta. Chúng ta được nâng lên để yêu và được yêu trong quyền năng của Thần Khí – Đấng cầu nguyện trong chúng ta. Bằng cách bước vào một ánh sáng mới, chúng ta trải nghiệm một sự biến đổi. Chúng ta đã có được nguồn nước hằng sống và được cho uống miễn phí từ Đấng cứu độ của chúng ta.

Khi chúng ta thoát ra khỏi sự thinh lặng, nghĩa là khi chúng ta không còn tập trung nữa, chúng ta có thể bắt đầu lại quá trình từ bước đầu tiên trở đi, hoặc chúng ta có thể cứ lặp đi lặp lại tên của Chúa Giêsu.

IV. PHẦN KẾT LUẬN:

Khi thực hành Lectio Divina, chúng ta cần kỷ luật, sự bình an của tâm hồn và ân sủng của Thiên Chúa. Điều quan trọng nhất không phải là nghĩ nhiều về Lời Chúa mà là yêu nhiều như Thánh Têrêsa Avila đã chỉ dạy. Hy vọng, thông qua thực hành Lectio Divina, chúng ta sẽ ngày càng đi câu vào mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa và nên một với Ngài trong tình yêu. Và như thế ngay từ trên dương thế này chúng ta đã được cảm nếm sự ngọt ngào của niềm hạnh phúc thiên đàng.

Chuyên đề

Xem tiếp...