Quả thực, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao, đến nỗi Ngài không ngừng mời gọi chúng ta đến với Ngài. Chúng ta đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa cũng bằng tình yêu, chỉ nơi tình yêu mới có thể chứa đựng ý nghĩa thâm sâu và niềm hạnh phúc trọn vẹn của cuộc đời chúng ta.
Thời gian lữ hành của chúng ta trên thế gian này rất ngắn ngủi, vì vậy chúng ta hãy tận dụng nó để phụng sự Thiên Chúa và dự phần vào chương trình cứu độ của Người. Chúng ta hãy dành thời gian ngắn ngủi này để yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Yêu mến Thiên Chúa và hy sinh cho Ngài với niềm cậy trông vào vinh quang mà đã được hứa ban cho chúng ta.
Để trở nên trọn vẹn trong tình yêu chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta hãy lắng nghe Lời của Ngài phán rằng:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. (Mt 22,37-38)
Yêu mến Thiên Chúa bằng hết cả con tim và bằng tất cả sức mạnh của mình là hành động cao quý và đẹp đẽ nhất của con người vì nó mang lại niềm hạnh phúc đích thực cho linh hồn. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài, vì Ngài xứng đáng để chúng ta yêu mến và xứng đáng để chúng ta đáp trả lại tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Tuy nhiên, nếu yêu mến Thiên Chúa không thì vẫn chưa đủ, chúng ta cũng phải yêu thương người lân cận như Ngài đã truyền dạy:
“Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
(Mat 22,39-40)
Thực ra, hai giới răn này không thể tách rời nhau, vì bản chất chỉ có một tình yêu duy nhất, đó là tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta. Với tình yêu đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa theo thứ tự điều răn đầu tiên. Tuy nhiên, chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu người lân cận của mình. Rõ ràng là đối với Chúa Giêsu, tình yêu thương đối với người lân cận được coi là quan trọng hàng đầu, đến nỗi Ngài đã nói: “Và điều răn thứ hai, tương tự điều răn thứ nhất, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31)
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng nếu ai đó yêu mến Ngài, thì người đó sẽ tuân giữ mọi điều răn của Ngài. Điều này không được nói chỉ một lần, nhưng chúng ta có thể thấy được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,15.21.23 và Ga 15,14).
“Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.“
(Ga 14,15)
“Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)
Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23)
“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15,14)
Đàng khác: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. (Ga 14,24)
Nếu chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ vui lòng làm theo mọi điều răn của Ngài. Đâu là giới răn Chúa Giêsu đã dạy chúng ta? Giới răn này được tóm tắt trong giới răn yêu thương. Giới răn này cũng được Chúa Giêsu lặp lại trong Bữa Tiệc Ly:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”(Ga 13,34)
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15,17)
Khi chúng ta yêu thương tha nhân, đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng vô hình nên chúng ta rất dễ tự lừa dối mình. Chúng ta cảm thấy yêu mến Thiên Chúa khi chúng ta có những cảm xúc nhất định về Chúa. Nếu vậy thì tình yêu của chúng ta thật hời hợt. Vì vậy, tình yêu thương đối với tha nhân là một dấu hiệu đảm bảo và chắc chắn rằng chúng ta thực sự yêu mến Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta một cách dứt khoát về điều này:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)
Trong thư của thánh Gioan cũng nói rõ cho chúng ta thấy rằng bằng chứng mà chúng ta yêu mến Thiên Chúa, đó là khi chúng ta yêu thương người thân cận. Chúng ta thường ảo tưởng về tình yêu Thiên Chúa. Do đó, tình yêu dành cho người khác là một dấu hiệu và bằng chứng về tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Người thân cận của chúng ta là những gì chúng ta có thể sờ chạm và xem thấy.
“Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo”. (1Ga 4,12)
Thánh Gioan còn nhận xét thêm rằng chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nhưng đồng thời lại không yêu anh em mình, thậm chí ghét bỏ họ. Sự căm ghét của một người dành cho người anh em là bằng chứng rõ ràng cho thấy tình yêu của Thiên Chúa không thực sự ở trong họ:
“Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4,20-21)
Chúng ta phải yêu thương tha nhân như thế nào?
Trong giới răn yêu thương nhau đó có một yếu tố mới. Nếu trong luật Torah của người Do Thái quy định phải yêu thương người lân cận như chính mình, thì trong giới luật của Chúa Giêsu, đó chính là thước đo của tình yêu, đồng thời cũng là tình yêu của chính Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta phải yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Mức độ tình yêu của chúng ta đối với tha nhân chính là mức độ tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn biết Chúa Giêsu yêu các môn đệ của Ngài như thế nào, chúng ta phải suy gẫm về cuộc đời của Ngài.
Chúa Giêsu yêu thương các tông đồ như thế nào?
Chúa Giêsu yêu thương các tông đồ của Ngài không phải vì họ hoàn hảo. Về cơ bản họ vẫn còn đầy dẫy những suy nghĩ trần tục và trái tim chai đá. Họ rất chậm tin, khiến Chúa Giêsu phải kiên nhẫn với họ rất nhiều. Thậm chí, vào trước ngày Ngài bước vào cuộc khổ nạn, các tông đồ vẫn còn tranh nhau xem ai ngồi bên phải, ai ngồi bên trái Ngài. Họ đặt câu hỏi ai sẽ là người lớn nhất trong số họ sau này.
Chúa Giêsu yêu thương các tông đồ không phải vì họ là những người có trí thức, biết cư xử và mềm mỏng trong giao tiếp. Ngược lại các tông đồ bao gồm những người ít học, thô lỗ và thuộc tầng lớp bình dân. Chúa Giêsu cũng yêu mến các tông đồ không phải vì họ là người thông luật và tuân giữ Lề Luật. Dĩ nhiên là không!
Như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải yêu thương người thân cận của chúng ta vì một động lực sâu sắc hơn, một cách cụ thể là:
-Thứ nhất, đó là thánh ý của chính Thiên Chúa cho chúng ta.
-Thứ hai, mỗi người đều là con cái của Thiên Chúa đã được tạo dựng theo hình ảnh giống như Ngài.
-Thứ ba, chính Chúa Giêsu đã đồng hóa mình nơi người thân cận của chúng ta.
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)
Mặt khác, những gì chúng ta không làm cho người lân cận có nghĩa là chúng ta không làm điều đó cho chính Chúa Giêsu. (Mt 25,45)
Sống trong tình yêu Thiên Chúa
“Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,19)
Chính bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, vì vậy mà chúng ta được ban cho khả năng để yêu thương, qua đó chúng ta có thể làm tất cả mọi thứ trong tình yêu. Khi chúng ta làm một việc gì đó với tình yêu thì tất cả những việc đó đều mang lại giá trị vĩnh cửu và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mọi thứ chúng ta làm trong tình yêu sẽ tăng thêm giá trị. Tình yêu giống như một thứ gia vị làm cho tất cả các món ăn của chúng ta trở nên ngon lành. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nói: nếu chúng ta chỉ nhặt một cây kim bị rơi với tình yêu, hành động nhỏ bé đó đã giành được giá trị đời đời, nó cũng giống như thu góp kho báu thiên đàng.
Thầy Laurent Phục Sinh, người đã được Chúa ban cho ân sủng lớn lao để luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng nói rằng việc nhặt một cọng rơm khô trên mặt đất với tình yêu cũng có giá trị vĩnh cữu.
Như thế mỗi ngày có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể dâng lên một điều gì đó có giá trị cho Thiên Chúa.
Ngay cả khi chúng ta gặp đau khổ, nếu chúng ta biết dâng nỗi đau đó lên cho Thiên Chúa, những đau khổ đó sẽ thay đổi sắc thái và mang lại cho chúng ta sự bình an trong tâm hồn. Thay vì than phiền hoặc càm ràm về hoàn cảnh đau khổ đó chúng ta hãy cố gắng vì tình yêu mà dâng lên cho Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm một điều gì đó rất kỳ diệu. Tương tự như vậy, tất cả những vấn đề khác, nếu chúng ta làm với tình yêu thì cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi một cách nhanh chóng. Cuối cùng chúng ta sẽ biến mọi thứ trở nên có giá trị trong mắt Thiên Chúa.
Trong câu chuyện cổ tích, có một góa phụ nghèo sống với con trai của mình. Họ đã phải khổ sở rất nhiều bởi cái nghèo luôn đeo bám cuộc sống của họ. Một ngày nọ, một thiên thần đến với cậu bé tội nghiệp và tặng cho cậu một cây đũa thần. Thiên thần nói với cậu bé: “Bất cứ thứ gì con chạm vào cây đũa thần này sẽ trở thành một viên đá quý rất có giá trị”. Sau khi thiên thần rời đi, cậu bé bắt đầu kiểm tra xem lời nói của thiên thần có phải là sự thật không. Cậu ta lấy cây đũa chạm vào tảng đá, lập tức nó trở thành một viên ngọc. Những thứ khác cũng vậy.
Thiên Chúa đã ban cho mỗi chúng ta một cây đũa thần, để bất cứ thứ gì mà cây đũa thần chạm vào sẽ biến thành những viên ngọc quý làm đẹp lòng Thiên Chúa. Cây đũa thần đó không là gì khác đó chính là tình yêu mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trong trái tim chúng ta. Tất cả mọi thứ, cho dù là bình thường hay to lớn, những việc từ cuộc sống hàng ngày hoặc những sự kiện đặc biệt, dễ chịu hay khó chịu, chỉ cần chúng ta chạm vào nó với tình yêu, nó sẽ biến thành những viên ngọc quý và đẹp lòng Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục dâng mọi sự với trọn tình yêu cho Thiên Chúa, để tất cả được biến đổi trở nên những viên ngọc quý giá, đẹp đẽ và làm đẹp lòng Chúa.
Xin mời bạn thử sử dụng cây đũa thần tuyệt diệu đó!
Cha Gioan Indrakusuma, CSE.