Trang chủTHƯ VIỆNSống ĐạoBÍ MẬT ĐẰNG SAU NHỮNG ĐAU KHỔ

BÍ MẬT ĐẰNG SAU NHỮNG ĐAU KHỔ

Mỗi người trong chúng ta nếu được hỏi muốn hạnh phúc hay đau khổ? Thì chắc rằng tất cả sẽ trả lời là muốn hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, thử hỏi có ai được hạnh phúc suốt cuộc đời không. Phải nói là không. Tất cả mọi người, không ít thì nhiều, chắc chắn đã từng trải qua đau khổ cả về thể xác cũng như tinh thần. Có lẽ chúng ta tự hỏi: tại sao lại có đau khổ trong thế gian này?

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng lúc khởi đầu con người sống rất hạnh phúc, chẳng biết đến đau khổ. Trong vườn Eđen tất cả đã có sẵn, con người không phải vất vả làm việc. Đặc biệt là họ luôn được nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và điều đó làm cho họ luôn được hạnh phúc. Nhưng sau khi sa ngã phạm tội, con người phải khó nhọc tìm kiếm lương thực từ đất đai, và người phụ nữ phải mang nặng đẻ đau (x. St 2-3). Tội lỗi trở thành nguyên căn của mọi sự đau khổ.

Tự bản chất, con người là thụ tạo mang tính xã hội. Con người không sống lẻ nhưng sống trong cộng đồng, sống với người khác. Vì thế mà tội lỗi cũng có khía cạnh xã hội của nó. Nghĩa là hành động của người này sẽ ảnh hưởng đến người khác. Vì Ađam và Eva phạm tội, tất cả con cháu cũng phải gánh chịu hậu quả (x. 1 Cr 15,21). Có thể nói rằng hậu quả lớn nhất mà tội lỗi đã gây ra đó là sự đau khổ và sự chết.

Con người phải chịu đau khổ vì nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân chính là:

  • Do chính bản thân:

Những hành động tội lỗi của chúng ta làm chúng ta đau khổ. Người thường xuyên sử dụng thuốc phiện phải gánh chịu thương tật về phần não bộ như là một hậu quả tất yếu của nó. Kẻ giết người hoặc cướp giật phải trải qua cuộc sống trong lao tù, xa cách vợ con.

  • Do người khác:

Những kẻ đâm xe bỏ chạy sẽ là mối họa và là nguồn gốc của sự đau khổ cho những ai là nạn nhân của vụ tai nạn đó, có thể là tiền mất tật mang, thậm chí là qua đời. Những mưu đồ độc ác của một số cá nhân dẫn tới cuộc chiến tranh thế II đã cướp đi biết bao mạng người và gây ra bao thiệt hại cho toàn thế giới.

  • Không hiểu rõ nguyên nhân trực tiếp:

Con cái sinh ra khuyết tật; trẻ mồ côi; đột nhiên bị mắc bệnh nặng; sự ra đi của những người thân yêu…tất cả là nỗi bi thương. Đối mặt với những thực trạng đó, con người hầu như không thể giải đáp được các vấn nạn về sự hiện hữu của những đau khổ.

Trước những đắng cay của cuộc đời, con người thường tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có quan tâm đến nỗi đau khổ của con người không? Tại sao Thiên Chúa lại “nhẫn tâm” để con người phải đau khổ như thế?

Lời giải đáp cho các vấn nạn về sự đau khổ đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải trình trong Tông Huấn của ngài, Salvific Doloris, về ý nghĩa đau khổ của con người theo cái nhìn của Kitô giáo. Những câu hỏi về vấn đề tại sao lại có đau khổ hoặc tại sao lại có sự dữ đôi khi làm con người tuyệt vọng và nghi ngờ Thiên Chúa. Theo Thánh Giáo Hoàng, chìa khóa của chúng ta đó là phải thấu hiểu ý nghĩa của đau khổ.

Kinh Thánh có kể cho chúng ta biết về câu chuyện cuộc đời ông Gióp. Ông nổi tiếng là một người rất thánh thiện. Nhưng ông cũng phải gánh chịu những đau khổ khủng khiếp. Tất cả con cái của ông đều bị lấy đi. Của cải tiêu tan. Thậm chí toàn thân ông đầy ung nhọt. Các bạn hữu của ông tin rằng đó là do hậu quả của tội lỗi mà ông đã gây ra. Đau khổ của Gióp phải được đón nhận như một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể lý giải được.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được về sự đau khổ bằng cách suy ngẫm về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Người không bao giờ phạm tội. Người chỉ làm những điều tốt đẹp: giảng dạy, giúp đỡ và chữa lành các bệnh nhân, thậm chí làm cho kẻ chết sống lại. Thế nhưng Người lại phải chịu biết bao đau khổ. Bị các nhà cầm quyền và những kẻ đứng đầu tôn giáo ghét bỏ. Bị hành hạ một cách dã man, bị sỉ nhục trước đám đông. Bị phản bội và bị những người thân yêu bỏ rơi. Người trở thành đối tượng của sự chế giễu và khinh bỉ. Cuối cùng bị treo trên thập giá cách đau đớn cho đến khi phó linh hồn. Người không đáng phải chịu những đau khổ như vậy, thế nhưng Người đã gánh lấy tất cả vì chúng ta. Qua đó Người dạy chúng ta rằng đau khổ không hoàn toàn là hậu quả của tội lỗi. Đau khổ đóng vai trò quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần can đảm và sẵn sàng để chịu đau khổ nhằm cứu rỗi các linh hồn.

Qua đau khổ chúng ta có thể học được một số điều:

  1. Những đắng cay, đau khổ lớn lao mà chúng ta phải gánh chịu sẽ làm cho chúng ta càng một ý thức hơn về hậu quả của tỗi lỗi. Cũng thế, chúng ta sẽ càng nhận ra tình yêu thương vô hạn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô – Đấng đã tự nguyện trở nên con người, chịu đau khổ và chịu chết để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ đời đời mà tội lỗi đã gây ra. Chúa Giêsu gần gũi với những người đau khổ. Người mang lấy đau khổ đó trong chính mình Người.
  2. Thật ra đau khổ ở trần gian này chỉ mang tính tạm thời. Khi đối diện với đau khổ, phản ứng tự nhiên của con người chúng ta đó là né tránh. Cũng thế, chúng ta phải có động lực lớn hơn nữa để tránh xa những đau khổ mang tính vĩnh viễn – lửa hỏa ngục, nếu chúng ta không chịu ăn năn sám hối.

Đau khổ có đem lại lợi ích hay không, phụ thuộc vào thái độ của chúng ta trong việc đón nhận. Đau khổ có thể mang lại sự sám hối, nhưng cũng có thể chỉ làm cho lòng người cay đắng và tức giận với Thiên Chúa. Hai người bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu nói lên điều đó. Một người ăn năn sám hối, đón nhận thánh giá vì tội lỗi của mình thì được Chúa Giê-su tha thứ tội lỗi và được đón nhận phần thưởng Thiên Đàng. Trong khi, người kia cay đắng vì đau khổ từ hậu quả tội lỗi của mình, chẳng những không ăn năn sám hối mà còn chế giễu Chúa Giê-su.

Tình yêu làm cho con người tự nguyện hy sinh và chịu đau khổ cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã minh chứng điều đó. Chúng ta có thể học từ gương các thánh, họ muốn tự nguyện và nhẫn lại chịu đau khổ vì Chúa Giêsu. Thậm chí như Thánh Phêrô và Gioan, họ đã vui mừng vì được cùng đau khổ với Chúa Giêsu. “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”. (Cv 5, 41) Các thánh nhận năm dấu đinh, tự nguyện chịu đau khổ nơi thể xác trong suốt cuộc đời, và thường bị mọi người xung quanh khinh bỉ và chế giễu.

Kết luận

Bởi vì phẩm giá con người sa ngã trong tội, chúng ta không thể thoát khỏi đau khổ. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.” (Rm 5,19).

Chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa mãi mãi là Thiên Chúa tốt lành và yêu thương chúng ta. Ngài luôn có chương trình tốt đẹp cho chúng ta mặc dầu nhiều lúc chúng ta không hiểu. Với sự tin tưởng đó, chúng ta có thể dễ dàng đón nhận những đau khổ xảy đến. Chúng ta có thể kết hợp đau khổ chủa mình với đau khổ của Đức Kitô, và chúng ta dâng lên Chúa như của lễ đền tội cho bản thân cũng như cho những người khác. Như vậy những đau khổ của chúng ta sẽ không ra vô ích, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chính chúng ta và người khác. Nhờ đó chúng ta đã dự phần vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

Chuyên đề

Xem tiếp...