Trang chủTHƯ VIỆNBài Viết của Cha Sáng LậpMẦU NHIỆM SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA

MẦU NHIỆM SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA

Nếu chúng ta nói về Thiên Chúa, thường thì chỉ được hiểu về khía cạnh kiến thức. Ngày nay, nhiều người từ chối tin vào Chúa bởi vì người ta khó có thể hiểu được sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

Chỉ mới biết về “Thiên Chúa là ai?” thì chưa đủ, điều quan trọng hơn là cần cảm nghiệm một Thiên Chúa đang sống bên ta. Để hiểu đúng, chúng ta cần được hướng dẫn để cảm nghiệm mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng ta, Đấng cứu độ chúng ta.

Khi chúng ta sẵn sàng dành một chút thời gian để thinh lặng, một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận ra rằng đằng sau tất cả mọi sự trong cuộc sống chúng ta là một mầu nhiệm. Sau đó, chúng ta sẽ nhận ra Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa Tình Yêu, đứng đằng sau tất cả mọi sự. Đây chính xác là những lời đẹp đẽ mà sách Thánh Vịnh 139 đã viết:

Thánh Vịnh 139: Đức Chúa ở khắp mọi nơi biết hết mọi sự

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

(2) biết cả khi con đứng con ngồi.        
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

(3) đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, 
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

(4) Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, 
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

(5) Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, 
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

(6) Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, 
quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!

(7) Ði mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, 
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

(8) Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, 
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

(9) Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, 
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,

(10) tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, 
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.

Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa thực sự là ân ban của Chúa Thánh Thần cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Chúa Thánh Thần ngự trị trong tâm hồn mỗi người. Ngài sẽ hướng dẫn và đưa chúng ta đến với Thiên Chúa vì Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Do đó, cũng chính Thần Khí hướng dẫn lòng trí chúng ta về mầu nhiệm trên (Cl 3,1-4).

“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.“(Cl 3,1-4)  

Chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần

Một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần là niềm khao khát Thiên Chúa. Bất cứ ai có Chúa Thánh Thần hiển nhiên lòng họ sẽ khao khát Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ.

Khi ai đó nhận được Chúa Thánh Thần, người  ấy sẽ trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần và Chúa Thánh Thần ngự trong người ấy.

“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16; 6,19).

Bất cứ nơi nào có Chúa Thánh Thần, thì Chúa Cha và Chúa Con cũng có mặt. Thiên Chúa hiện diện ở nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Trong một thị kiến của mình, Thánh Têrêsa Avila đã nhìn thấy linh hồn mỗi người được ví như một tòa lâu đài trong suốt như pha lê. Tòa lâu đài đó được chia thành bảy cư phòng và có nhiều phòng nhỏ trong mỗi cư sở. Ở trung tâm của cư phòng thứ bảy là Ngai Vua; đó là nơi Thiên Chúa ngự. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa khắp cả căn phòng. Cư phòng thứ bảy đó rất sáng, tuy nhiên, càng xa trung tâm, thì càng tối; bởi vì ánh sáng bị chặn đứng lại bởi những bức tường; giống như những rào cản vây quanh tâm hồn của chúng ta. Những rào cản này càng lớn, thì ánh sáng càng khó đi vào. Bên ngoài lâu đài, hoàn toàn là bóng tối. Hình ảnh này là những linh hồn đang ở trong tình trạng mắc tội trọng. Cách duy nhất để vào lâu đài và đến được trung tâm, là rèn luyện tâm linh như ăn năn sám hối, hy sinh, tránh xa tội lỗi, v.v.

Nếu chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ không cố gắng tìm kiếm những điều phù phiếm của thế gian này, mà chỉ cố gắng tìm kho báu quý giá nhất đang chờ chúng ta. Vào thời xa xưa, các vị ẩn sĩ tìm thấy sự thinh lặng trong hang động, trên núi hoặc nơi hoang mạc.

Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa hiện diện ở sâu thẳm nơi tâm hồn chúng ta trong sự tĩnh lặng của phòng ngủ mà không có TV, điện thoại di động, v.v. Tôi biết một số người không phải là tu sĩ đã thực hành cầu nguyện thinh lặng ít nhất một giờ mỗi ngày, để gặp gỡ Chúa trong yên tĩnh nơi phòng ngủ của họ. Đáng buồn thay, có nhiều người Công giáo và thậm chí cả các tu sĩ đã không nhận ra tầm quan trọng của việc gặp gỡ này với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này sẽ trao ban cho chúng ta khả năng sống ơn gọi là Kitô hữu trong thế giới ngày này.

1. SỰ HIỆN DIỆN CỦA TÌNH YÊU

Nếu bạn có mặt trong một đám đông người, nhưng bạn không thể giao tiếp vì không cùng chung một ngôn ngữ, bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, nếu bạn ở giữa những người mà bạn quen biết và yêu mến bạn thì việc bạn và họ có mặt ở đó sẽ làm cho bạn cảm thấy rất vui.

Ở tình huống đầu tiên, bạn có mặt về thể lý trong một đám đông người, và tình huống thứ hai, bạn có mặt giữa những người bạn. Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân của Ngài có thể được so sánh với các ví dụ trên. Có 3 cách Thiên Chúa hiện diện:

1.1 THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN NHƯ ĐẤNG TẠO HÓA.

Tất cả mọi sự đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa và được tạo dựng bởi Thiên Chúa. Là Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa hiện diện trong mọi vật sống động, qua mọi thời đại. Nếu Thiên Chúa vắng mặt chỉ trong giây lát, thì mọi sinh vật sống sẽ trở thành hư vô. Do đó, Thiên Chúa hiện hữu trong mọi tạo vật mà Ngài sáng tạo ra: trong thiên nhiên, trong cây cối hoa cỏ, động vật, con người; mọi thứ tồn tại.

1.2 THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN QUA CÁC ÂN BAN.

Bên cạnh tất cả sự hiện diện của Ngài với tư cách là Đấng Tạo Hóa ở giữa dân của Ngài, Thiên Chúa cũng có mặt qua các ân sủng. Các tín hữu có thể không nhận ra sự hiện diện này, mặc dù nó rất rõ ràng. Do đó, sự hiện diện của Ngài chỉ thoáng qua, không có sự tương giao thực sự với Thiên Chúa.

1.3 THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN NHƯ MỘT NGƯỜI BẠN TỐT

Khi ai đó nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình bằng ân sủng, và bắt đầu có mối tương quan mật thiết với Ngài; Sau đó một tình bằng hữu được kết giao và Thiên Chúa hiện diện với người ấy như một người bạn tốt nhất. Mối tương quan yêu thương giữa người đó và Thiên Chúa được thiết lập. Nếu người đó trung thành vun đắp tình bạn này, thì người đó sẽ triển nở trong sự nhận biết về Thiên Chúa và mối tương quan đó sẽ ngày một gắn bó hơn. Mỗi ngày, Thiên Chúa sẽ lấp đầy trái tim và tâm trí của người ấy, và Thiên Chúa trở thành tâm điểm trong cuộc sống của người ấy.

2. SỰ HIỆN DIỆN NGÀY CÀNG THÂN TÌNH HƠN

Có ba yếu tố trong tình bạn: biết, yêu mến và vui thích. Nếu chúng ta lớn lên trong sự nhận biết về Thiên Chúa và ngày càng yêu mến Ngài, chúng ta cũng sẽ thấy vui thích vì Ngài ở với ta, và ta càng mong muốn được ở với Ngài. Và tình bạn giữa ta và Thiên Chúa sẽ thân thiết hơn. Do đó, sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa là một tình bạn dựa trên sự nhận biết và yêu mến.

 “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” (Ga 17,3 )

Sự hiểu biết về Thiên Chúa không giống như việc đích thân bạn học biết về Thiên Chúa. Chỉ có kiến ​​thức, biết về Thiên Chúa thôi thì không thay đổi được con người. Tuy nhiên, bằng cách cảm nghiệm và nhận biết Thiên Chúa trong mối tương quan cá nhân, sẽ giúp đổi mới con người. Ai đó có thể có nhiều kiến ​​thức về Thiên Chúa, nhưng không hẳn đã nhận biết Ngài. Chúng ta có thể biết về Chúa qua việc đọc, nghe các bài giảng, nhưng chúng ta chỉ có thể thực sự nhận biết Ngài qua tình bạn thân thiết giữa ta và Thiên Chúa, qua tình yêu và cầu nguyện. Thông thường, điều này xảy ra với các triết gia, các nhà thần học và các chuyên gia Kinh Thánh, những người có kiến ​​thức cao siêu về Thiên Chúa, nhưng họ không thực sự nhận biết Ngài.

Nhận biết Thiên Chúa cách cá vị không thể đạt được chỉ bằng cách học hoặc đọc sách, nhưng là thông qua sám hối và yêu mến. Chúng ta càng lớn lên trong đức tin và tình yêu, chúng ta càng gần hơn với Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể tỏ bày chính Ngài cho chúng ta vượt trên mọi hiểu biết của chúng ta. Thiên Chúa sẽ chỉ tỏ chính Ngài nếu chúng ta khiêm nhường mở lòng mình ra cho Ngài. Những người kiêu ngạo, sẽ không nhận biết Thiên Chúa một cách trực tiếp mặc dù họ học được thần học cao siêu. Mặt khác, những người khiêm nhường sẽ có được hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa, thông qua sự đơn sơ của họ. Điều này không có nghĩa là kiến ​​thức là vô giá trị. Nhưng kiến ​​thức phục tùng đức tin, chắc chắn sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng và là sức mạnh của đức tin.

Những kiến thức và tư tưởng tuyệt vời về Thiên Chúa không có bất kỳ sức mạnh nào để thay đổi cuộc sống của ai đó. Trái lại, chỉ có nhận biết Thiên Chúa trong ánh sáng của Ngài mới biến đổi cuộc sống con người. Khi bạn biết Chúa, thì Chúa sẽ đến với bạn như một người bạn, người yêu hay người cha. Sự hiện diện của Người làm bạn thỏa lòng, ngập tràn tâm hồn và đổi mới cuộc đời bạn. Quyền năng và sự dịu ngọt khi Chúa hiện diện không thể diễn tả được bằng lời nói, mà chỉ có thể được hiểu bởi những người đã trải nghiệm điều đó. Đôi khi Thiên Chúa tỏ bày chính Ngài theo một cách mạnh mẽ khiến bạn hiểu Ngài sâu sắc hơn.

Như bất kỳ tình bạn nào, sự hiện diện mầu nhiệm này sẽ tiếp tục lớn lên: trong sự hiểu biết, lòng cảm tạ, tình yêu và niềm vui. Nếu bạn ngày một phát triển hơn trong tình yêu vào Ngài, thì lòng bạn sẽ tràn đầy niệm hạnh phúc và biết ơn vì sự hiện diện của Ngài. Thiên Chúa cũng vui mừng với sự hiện diện của bạn cho đến một ngày nào đó bạn sẽ cảm nghiệm những gì Chúa Giêsu đã cảm nghiệm: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

3. SỰ HIỆN DIỆN THÁNH HÓA CHÚNG TA.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hiện diện ở giữa dân của Ngài và Ngài hiện diện trong nhà tạm nơi Hòm Bia Giao Ước. Sự hiện diện này được cảm nhận như một sự hiện diện thánh và có sức thánh hóa. Ngài nói: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.“ (Lv 11,44-45)

Sự hiện diện đó chỉ có thể được cảm nhận ở một nơi; đó là tại đền thờ Giêrusalem.

Tuy nhiên, trong Tân Ước, sự hiện diện của Thiên Chúa không còn bị ràng buộc ở một nơi, như Chúa Giêsu đã nói trong Ga 4,21-23:

“Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.”

Mọi người sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật có nghĩa là bất cứ ở nơi nào có Thần Khí Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng hứa rằng bất cứ ai yêu mến Ngài sẽ được Cha của Ngài yêu thương và họ sẽ được sống với Người. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23).

Chúa Thánh Thần ngự trong mỗi tín hữu để chúng ta có thể trở thành Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống.”Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3,16; 6,19). Khi trở thành Đền thờ của Thiên Chúa, các tín hữu phải là thánh vì không có mối liên hệ nào giữa đền thờ Thiên Chúa và các ngẫu tượng. (2 Cr 6,16)  “Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta.” 

 Do đó, mỗi người là Đền thờ của Thiên Chúa, phải trở nên trong sạch để Chúa Thánh Thần có thể ngự vào. Vì vậy, chúng ta phải từ bỏ con người cũ, lối sống cũ và trở nên một bản thể mới. Và nếu chúng ta cho phép mình được lấp đầy bởi sự hiện diện của Ngài, thì sự hiện diện đó sẽ thánh hóa chúng ta.

4. SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA HƯỚNG DẪN VÀ GIẢI THOÁT

Trong Cựu Ước, cuộc sống của dân Chúa được hướng dẫn qua lề luật được Thiên Chúa truyền lại cho họ. Lề Luật hướng dẫn cuộc sống của họ một cách cứng nhắc và thường luật đó được diễn giải mà không biết về tình yêu Thiên Chúa. Do đó, khi họ đọc sách Thánh, tâm hồn của họ đã bị che phủ, thậm chí cho đến tận ngày nay (2 Cor 3,15) “Phải, cho đến nay, mỗi khi họ đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ” .

Vì điều này, họ có mối tương quan xa cách với Thiên Chúa. Tuy nhiên Tân Ước, đã mang lại một sự thay đổi lớn. Rất lâu trước khi Chúa Giêsu đến thế gian, Thiên Chúa đã hứa điều này. Ngài hứa sẽ viết luật đó trong lòng dân Ngài và đó là khi họ bắt đầu nhận biết Ngài.

“Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.“ (Jr 31,33-34).

 Luật đó không còn được viết trên chữ, nhưng được viết bởi Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn mỗi tín hữu – “không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí.“ 2 Cr 3,6

“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” (2 Cr 3,17).

 Chúa Thánh Thần hiện diện để hướng dẫn chúng ta sống theo thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta biết đường lối của Ngài.

 “Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người ? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” (1Cr 2,10-11)

 Ngài đổi mới tâm trí chúng ta để cho phép chúng ta phân biệt ý muốn của Thiên Chúa, điều gì là đúng, đẹp lòng Chúa và điều gì hoàn hảo đối với Ngài.           

   “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 1,22)  

Nếu chúng ta hoàn toàn phó thác vào Chúa, thì Thần Khí Thiên Chúa sẽ hướng dẫn và giúp chúng ta tiến lên một cách mau lẹ (Rm 83-16). Chúa Thánh Thần, cũng sẽ dạy chúng ta biết điều gì cần ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta. Với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không còn tập trung vào chính mình, nhưng vào Thiên Chúa; do đó, chúng ta sẽ phát triển toàn diện nhân cách và chúng ta sẽ no thỏa trong Chúa.

Hành trình cuộc đời chúng ta sẽ được Chúa Thánh Thần hoàn toàn dẫn dắt đến từng việc nhỏ nhất; bởi vì Ngài sẽ hướng dẫn cả cuộc đời chúng ta “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa“ (Rm 8,14). Mọi thứ sẽ trở nên đẹp đẽ và mọi thứ đều được làm trong ân sủng của Thánh Thần.

5. SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA THÔI THÚC TA CẦU NGUYỆN

Thiên Chúa ở với chúng ta một cách mầu nhiệm chỉ vì tình yêu, Ngài mời chúng ta bước vào một mối tương quan mật thiết với một mình Ngài, một lời mời gọi luôn luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng ngự sâu trong tâm hồn chúng ta.

Sự hiện diện của Ngài khiến chúng ta khao khát Ngài và yêu thích cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện là biểu hiện cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, một cuộc trò chuyện cá nhân với một mình Thiên Chúa. Khao khát Thiên Chúa và khao khát cầu nguyện thực sự là ân sủng tuyệt vời. Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta là một món quà tuyệt đẹp mà Thiên Chúa ban cho những người bạn của Ngài.

Cảm nghiệm Ngài ở nơi cung lòng chúng ta, cảm nghiệm Người sâu sắc hơn mỗi ngày là ân sủng cao quý nhất. Đó cũng là khởi đầu của hành trình chiêm niệm thiêng liêng. Chiêm niệm là đỉnh cao của đời sống cầu nguyện, là việc thực hành chuyên tâm nhất. Việc thực hành này sẽ tồn tại mãi mãi và sẽ lấp đầy tâm hồn của những người khát khao thờ phượng và chiêm ngắm Thiên Chúa không ngừng.

Đời sống cầu nguyện là mối tương quan mật thiết đầy mầu nhiệm với Thiên Chúa. Do đó, kể từ lúc khởi đầu, đời sống cầu nguyện đã nhắm đến sự chiêm niệm và sự kết hợp huyền nhiệm với Thiên Chúa, sự hiệp nhất nên một trong tình yêu với Thiên Chúa mà có thể thay đổi mọi thứ. Đây là mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta và vì Ngài khao khát sự có mặt của chúng ta. Đây cũng là những gì Chúa Giêsu đã hứa trong bữa tiệc ly: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23) .

Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tìm kiếm mầu nhiệm tuyệt vời này và biến nó trở thành nền tảng cho toàn bộ đời sống của chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và giúp chúng ta nhận biết sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Amen.

Cha Yohanes Indrakusuma, CSE

Chuyên đề

Xem tiếp...