Trước khi tìm thấy Thiên Chúa, Thánh Augustinô đã cố gắng tìm kiếm Chúa ở nhiều nơi khác nhau. Ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa ở bên ngoài bản thân, trong những hoan lạc và niềm vui của thế gian này. Ngài cũng đã tìm kiếm Chúa trong nhiều ngành khoa học và triết học khác nhau. Nhưng ngài đã không tìm thấy Thiên Chúa. Cuối cùng Thánh Augustinô nhận ra rằng bản thân đã sai lầm khi tìm kiếm Thiên Chúa bên ngoài bản thân mình, bởi vì Thiên Chúa thực sự ngự trị trong sâu thẳm trái tim ngài.
Thật vậy, chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao không ai có thể làm cho chúng ta được thỏa lòng ngoại trừ Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được tạo ra với một quả tim rộng lớn bao la đến nỗi không gì có thể lấp đầy nó; thậm chí cả trời đất muôn vật đi nữa! Giả như chúng ta có cả thế giới, chúng cũng không thể lấp đầy trái tim của chúng ta và lòng chúng ta sẽ vẫn trống rỗng. Chúng ta đã được tạo ra cho cái vô hạn, vì vậy chỉ có cái vô hạn mới có thể thực sự lấp đầy trái tim của chúng ta. Sau khi Thánh Augustinô đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, ngài đã thốt lên rằng:
“Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa… nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”
Chúng ta được tạo dựng cho Đấng Vĩnh Cửu, đó là cho chính Thiên Chúa, vì vậy chỉ có Thiên Chúa mà thôi mới có thể thỏa mãn tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô, người trước đây cũng theo đuổi vinh quang thế gian này, sau khi nhận biết Đức Kitô đã coi mọi sự là thiệt thòi. Tất cả những gì mà thánh nhân tôn thờ trước đây, sau đó ngài coi đó hoàn toàn là rác rưởi.
“Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô. Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (Pl 3,7 – 8,10).
Quả thật, tất cả mọi thứ trên thế gian này đều sẽ qua đi. Bản thân chúng ta có lẽ cũng đã trải nghiệm sự mỏng manh, chóng qua của cuộc sống con người trên thế gian này. Hôm qua chúng ta được mọi người tôn vinh và ca tụng, nhưng bỗng nhiên hôm nay chúng ta bị xúc phạm và cuộc sống của chúng ta không còn an toàn nữa. Hôm qua chúng ta là người được kính trọng nhất, nhưng hôm nay chúng ta lại là kẻ tầm thường và bị khinh miệt.
Như Thánh Gioan đã nói, thế gian này sẽ qua đi cùng với những dục vọng của nó. Ngược lại, những người yêu mến Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi mãi. Thánh Tông đồ nói với chúng ta:
“Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17).
Bản chất sinh tồn của thế giới, sinh tử và rất phù du và phù phiếm, thúc đẩy chúng ta nhiều hơn nữa để tìm kiếm cái không thay đổi, cái vĩnh cửu. Biết Chúa và yêu mến Ngài trên hết mọi sự, đó là mục đích của cuộc đời chúng ta là điều duy nhất có thể lấp đầy trái tim chúng ta.
Quả thật, nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài là sự sống đời đời.
“Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
“Nhận biết” trong ngôn ngữ Kinh Thánh, đặc biệt là theo Tin Mừng Gioan, có nghĩa là bước vào sự hiệp nhất bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha tới Chúa Con trong Chúa Thánh Thần và ngược trở lại với cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Bởi thế, điều quan trọng nhất đối với chúng ta lúc này là nhận biết và cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Sự sống đời đời đã bắt đầu trên thế gian này và sẽ được kiện toàn mai sau. Đó là điều chính yếu và quan trọng nhất. Nếu cuộc sống của chúng ta hướng đến điều chính yếu trên, thì tất cả mọi thứ sẽ trở nên có nghĩa và làm cho cuộc sống chúng ta no thỏa trong Thiên Chúa.
Chúng ta yêu thương bởi vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu chúng ta làm mọi thứ với tình yêu và vì tình yêu, thì tất cả sẽ trở nên đẹp đẽ. Đồng thời mọi thứ vốn chúng ta coi là gánh nặng và đau khổ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô cầu nguyện để chúng ta có thể nhận biết tình yêu thương của Thiên Chúa:
“Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3,17-19).
Tất cả mọi điều khác không giá trị gì nếu so sánh với điều này cho dù chúng ta có phải chịu nhiều đau khổ ở thế gian này đi nữa, bởi vì: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Thật vậy, không thể tưởng tượng nổi những gì mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta, bởi vì mọi thứ đều vượt quá suy nghĩ và sự hiểu biết của chúng ta:
“Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).
Cha Yohanes Indrakusuma, CSE.