Thánh Gioan Tông đồ là người ngay từ thuở đầu đã được cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu một cách đặc biệt: trong bữa tiệc ly, ngài được ngồi gần Chúa Giêsu và tựa sát đầu vào Chúa. Trong suốt cuộc đời của mình, ngài đã được trải nghiệm mối tương quan đặc biệt với Chúa Giêsu và cảm nhận được tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho mình, do đó trong các sách Phúc âm, ngài được gọi là “môn đệ Đức Giêsu thương mến.”
Rõ ràng, hơn các môn đệ khác, ngài đã được đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa một cách đặc biệt. Qua Tin Mừng theo Thánh Gioan, chúng ta có thể thấy Thánh Gioan đã cảm nghiệm một cách sâu sắc màu nhiệm tình yêu cao vời đó. Trong cuộc đời của mình, vị tông đồ này đã tận hưởng sự bao la của tình yêu Thiên Chúa cho đến khi về già. Với niềm tin tưởng tuyệt đối, thánh nhân nói rằng nguồn mạch tình yêu đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Trước khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Ngài đã yêu chúng ta trước.
“Tình yêu cốt ở điều này:
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.“
(1 Ga 4,10)
Vì vậy, không phải vì chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa rồi sau đó Thiên Chúa yêu thương chúng ta lại. Sự thật là: chúng ta có thể yêu thương bởi vì Ngài đã yêu chúng ta trước.
“Chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19). “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Và như thế, chúng ta được ban cho khả năng để đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Sự thật này là một niềm an ủi lớn lao cho mỗi người chúng ta. Chúng ta không cần phải có công trạng thì mới được được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta phải luôn ý thức điều này: rằng chính Ngài là Đấng đã yêu thương chúng ta trước một cách nhưng không, một cách vô điều kiện và hoàn toàn không phụ thuộc vào việc chúng ta có gì tốt đẹp hay không.
Ngài yêu chúng ta bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Vì vậy, chúng ta có thể nhận ra sự to lớn của tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tình yêu thương đó được tỏ bày cách đặc biệt nơi Con Một của Ngài, Đấng mà Ngài đã ban cho chúng ta:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
Tình yêu Thiên Chúa cứu rỗi khiến cho bất cứ ai đáp lại tình yêu thương đó được làm cho vững vàng trở lại, được cứu thoát và trở nên một tạo vật mới. Do đó, để có được tình yêu đó, trước hết chúng ta không cần phải có thành quả, nhưng chỉ cần chúng ta mở lòng mình ra và để bản thân được Thiên Chúa yêu thương.
Thông thường kinh nghiệm của chúng ta về tình yêu con người che khuất sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa. Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong thực tế của thế giới ngày nay có một nguyên tắc sau: Có công thì sẽ có thưởng. Trong một gia đình, con cái cũng được giáo dục theo nguyên tắc này: muốn cha mẹ yêu thương thì con cái phải nổi trội, có thể là về thành tích học tập ở trường, và nhiều thứ khác nữa. Một cách vô thức, những đứa trẻ này cũng áp dụng thái độ đó trong mối quan hệ của mình với Thiên Chúa. Chúng nghĩ rằng nếu chúng có nhiều nhân đức, chúng làm nhiều việc tốt thì Thiên Chúa mới yêu thương chúng.
Vì vậy, nhiều người đã cố gắng thực hành tất cả các loại nhân đức nhất định để làm hài lòng Thiên Chúa. Nếu họ cảm thấy mình đã có công đức, thì họ được quyền đòi hỏi Thiên Chúa đáp trả. Việc luyện tập nhân đức của họ trở nên nặng nề, bởi vì họ luôn cảm thấy mình phải có thành quả, phải có công trạng. Những người này cũng đồng thời dễ thỏa mãn với thành quả của mình nên dễ dàng sinh ra kiêu ngạo.
Thái độ đó thật khác với thái độ của một người thực sự nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu thương trước, mà không có những công trạng từ phía bản thân. Trái tim của một người như thế luôn tràn ngập lòng cảm tạ và biết ơn, vì biết rằng mình được yêu thương và quý giá trong mắt của Thiên Chúa. Khi người ấy nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, thì người ấy cũng muốn yêu mến Thiên Chúa. Tất cả những gì người ấy làm là vì người ấy yêu mến Thiên Chúa và muốn làm vui lòng Ngài. Người ấy làm điều đó không phải vì người ấy muốn có được một điều gì đó, hay vì muốn lập công đức, mà chỉ như một sự bày tỏ lòng tri ân và biết ơn đối với Đấng đã yêu thương anh ta.
Một người càng nhận biết Thiên Chúa, người đó càng nhận ra Thiên Chúa là Đấng xứng đáng được yêu mến vì Chính Ngài; không phải để nhận được một điều gì đó từ Thiên Chúa. Với niềm hân hoan người ấy thực hiện mọi điều mà Thiên Chúa đã truyền dạy. Cũng như một người đang yêu sẽ cố gắng làm cho người mình yêu được vui mà không đòi hỏi điều gì.
Nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta quý giá đối với Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương, thì chúng ta sẽ không tìm kiếm sự đánh giá và tôn trọng từ con người. Chúng ta sẽ không cố gắng tìm kiếm những thành quả để nhận được sự coi trọng của mọi người, nhưng chúng ta làm mọi thứ để làm vui lòng Thiên Chúa và mọi thứ chỉ dành cho Thiên Chúa mà không sợ hãi trước lời nhận xét của người đời. Bởi vì chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chúng ta cũng sẽ chia sẻ tình yêu đó với người khác mà không đòi hỏi người khác phải đáp trả lại tình yêu của chúng ta.
Hãy nhớ rằng chúng ta có khả năng yêu thương bởi vì chúng ta đã được yêu trước. Chúng ta cũng không muốn phán xét ai, vì chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Vì chúng ta đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, nên chúng ta cũng có thể trao ban lòng thương xót tới người người khác.
Ở đây có một nghịch lý xảy ra: Mặc dù chúng ta chỉ yêu thương một cách thuần khiết mà không đòi hỏi sự đáp trả và không có bất kỳ động cơ nào khác, tuy nhiên cuối cùng chúng ta lại nhận được nhiều hơn. Điều này đã ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói với chúng ta:
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 37-38).
Với những người yêu mến Thiên Chúa, họ nhận ra rằng trên đời này không có gì quý giá hơn tình yêu của Ngài. Bởi thế, tình yêu đó cũng tự nguyện từ bỏ tất cả vì tình yêu, hy sinh tất cả vì tình yêu! Chính bởi Thiên Chúa là tình yêu, nên chỉ mình Thiên Chúa đã đủ cho họ; thậm chí là quá đủ. Cả cuộc đời của họ sẽ chỉ tận hiến cho Thiên Chúa để thi hành thánh ý của Ngài. Đối với họ không có gì ở đời này quý giá hơn, Thiên Chúa là tất cả.
Bởi sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, họ có thể trở nên khí cụ nhạy bén và luôn sẵn sàng để được sử dụng trong bàn tay Thiên Chúa, để hiệp thông vào chương trình cứu độ nhân loại của Ngài. Họ cũng cảm thấy được tự do trước mọi sợ hãi, bởi vì họ biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương họ. Họ cũng biết rằng tình yêu Thiên Chúa là vĩnh cửu và không bao giờ thay đổi:
“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương”
(Gr 31,3).
Càng lớn lên trong sự hiểu biết Thiên Chúa, họ càng nhận ra rằng trái tim của Thiên Chúa dịu dàng hơn bất kỳ trái tim người mẹ nào. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn bất cứ tình yêu nào của người phụ nữ nào dành cho con mình:
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15-16 a).