CẦU NGUYỆN GIÊ-SU

Cầu nguyện là gì ?

Cầu nguyện theo Thánh Gioan Damascus là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu, để cầu xin những ơn cần thiết.

Cầu nguyện là đi vào mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, thông qua trò chuyện, ca ngợi, tạ ơn, cầu xin, khao khát và sám hối.

Khi cầu nguyện chúng ta đi vào sự thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta.

Theo thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su :” Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách trong lúc vui mừng “.

Theo thánh Têrêsa Avila “cầu nguyện là một cuộc trao đổi thân tình trong đó người ta thường đàm đạo, một mình với Thiên Chúa mà ta biết rằng Ngài yêu ta.”( Tự thuật 8). Cầu nguyện không  khác gì hơn là sự gặp gỡ giữa hai tình yêu, tình yêu Thiên Chúa đối với linh hồn và tình yêu linh hồn đối với Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người. Người yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đi vào tình mật thiết với Người. Mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa không phải là kết quả của suy nghĩ hay trí tưởng tượng của con người, mà là kết quả của hành động cứu rỗi nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa gieo sự  khao khát  này vào tâm hồn con người. Thiên Chúa muốn chúng ta thực sự nhận biết Ngài và cùng thông phần vào cuộc sống thần linh của Ngài. Trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha tỏ bày tình yêu của Ngài cho chúng ta. Ngài ước rằng chúng ta nên một với Ngài. Do đó, chính Thiên Chúa là người mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan này trước. Để chúng ta có thể đáp lại lời mời gọi của Người, Thiên Chúa đã gửi Thánh Thần của Ngài đến giúp sự yếu hèn của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào, nhưng chính Thần Khí cầu thay, nguyện giúp cho chúng ta đến với Chúa Cha bằng những tiếng rên xiết khôn tả.(Rm 8,26).

CHÚA GIÊSU LÀ MẪU GƯƠNG CẦU NGUYỆN CHO CHÚNG TA

   Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện thực sự. Trong suốt cuộc đời, Người có mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Chúng ta thấy điều này trong Tin Mừng: Chúa Giêsu thường lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1,35); Chúa Giêsu cầu nguyện trên Núi Tabor với các môn đệ của Ngài (Lc 9,28-30); trong hành trình hoạt động tông đồ của mình, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện; Khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu ngước nhìn lên trời, dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha; Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong vườn  Giêt-si-ma-ni trước khi Ngài chịu chết (Lc 22,39-46). Vì vậy có thể kết luận rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu xuất phát từ  mối quan hệ mật thiết của Ngài với Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu càng mật thiết với Chúa Cha, thì càng chứng tỏ rằng Ngài luôn sống trước sự hiện diện của Chúa Cha, như Tin Mừng Ga 4,34. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy ”.  Trong Ga 5,19: ”Điều gì Chúa Cha làm thì người Con cũng làm theo như vậy”.

Chúa Giêsu cũng mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào mối tương quan mật thiết của Ngài với Chúa Cha. Ngài gửi Đấng Bảo Trợ đến với chúng ta, để trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành con cái Thiên Chúa và được thông phần trong mầu nhiệm tình yêu trọn hảo  với Thiên Chúa Cha. “Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.. “(Ga 17,3).

Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA  CẦU NGUYỆN GIÊSU

Cầu nguyện Giêsu là một hình thức cầu nguyện rất phổ biến trong Kitô giáo Đông phương, cả Chính thống giáo và Công giáo, họ dùng “dây cầu nguyện” (sợi dây có thắt nhiều nút) tương tự như tràng hạt của Tây phương. Cầu nguyện Giê-su rất đơn giản, nhưng có giá trị rất thâm sâu, dễ dàng thực hiện nhưng rất hiệu quả trong việc giúp người tín hữu tiến sâu vào trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa và ngày càng triển nở trong đời sống thiêng liêng. Trọng tâm của cầu nguyện Giêsu là kêu tên Danh Thánh Giêsu. Đó là lý do tại sao được gọi là cầu nguyện Giêsu.

Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đa Minh và Phan-xi-cô, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau công đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính, không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên thánh Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS – ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy-lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La-tinh là viết tắt của “Jesus hominum salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). một cách cụ thể trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này.

Giáo hội Công giáo dành tháng Giêng để tôn kính Thánh Danh Chúa Giêsu.

Qua lòng tôn sùng này, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của Thánh Danh Đức Kitô, đồng thời khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhân Danh Ngài.

Kêu danh thánh Giêsu, không có nghĩa  là đọc một cách máy móc, nhưng là kêu cầu với tâm tình tin, cậy, mến . Cầu nguyện Giê-su biểu hiện khao khát của con tim muốn nhận biết và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta diễn tả tất cả những điều đó trong trái tim của chúng ta đặt để nơi Danh Thánh Giê-su.

Ngày 3 tháng 1
KÍNH DANH THÁNH CHÚA GIÊSU

Lời dạy của Giáo Hội về Danh Thánh Giê-su trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo như sau :

432. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài, Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ, và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

433. Thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ được vị thượng tế kêu cầu mỗi năm một lần để xin ơn xá tội cho Israel, khi ông lấy máu của hy lễ rảy lên bàn xá tội trong nơi Cực Thánh. Bàn xá tội xưa là nơi Thiên Chúa hiện diện. Khi thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3,25), ông muốn nói rằng trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (2 Cr 5,l9).

434. Việc phục sinh của Chúa Giêsu làm hiển vinh thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ, bởi vì từ lúc đó Danh Giêsu bày tỏ cách trọn vẹn quyền năng tối thượng của “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-l0). Các Thần dữ khiếp sợ Danh Người, và nhân Danh Người, các môn đệ Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha đều ban cho họ.

435. Danh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi miệng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc.

Danh thánh Giê-su trong Lời cầu nguyện này dựa trên quyền năng của Danh Thánh Chúa.“Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu độ.” (Cv2,21; Cv 4,12). Bằng cách kêu cầu danh Thánh Chúa Giêsu, chúng ta kêu cầu sự hiện diện của Ngài hay chính xác hơn là chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng thực sự luôn hiện diện, nhưng chính chúng ta không nhận thức được sự hiện diện của Ngài. Danh Thánh Giêsu sẽ cứu độ, chữa lành và thánh hóa chúng ta.

CÔNG THỨC TRONG CẦU NGUYỆN GIÊSU:

Có nhiều công thức khác nhau trong cầu nguyện Giê-su:

  • Một số người sử dụng  lời cầu nguyện: ” Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con.” Những lời này phát ra từ tiếng kêu của người mù thành Giê-ri-cô, người đã xin được Chúa Giê-su chữa lành (Lc 18,38).
  • Một số khác sử dụng những lời của người thu thuế trong Tin Mừng : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).

Một cách thực tế có thể sử dụng công thức dài : “ Lạy Chúa Giê-su Ki-tô , con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con là kẻ có tội.”

Chúng ta cũng có thể nói một cách đơn giản: Lạy Chúa Giêsu hay thậm chí chỉ là Giê-su, Giê-su, Giê-su.

Các công thức này  có thể khác nhau, nhưng chỉ nên sử dụng một công thức. Thánh Gioan Climacus, một người được Thiên Chúa mang tới bậc hoàn thiện qua hình thức cầu nguyện này, cho chúng ta lời khuyên: “Thông thường việc sử dụng nhiều từ trong lời cầu nguyện của chúng ta sẽ dễ gây chia trí và không đem đến kết quả tốt, trong khi chỉ dùng một từ duy nhất, đó là Danh Thánh Giê-su, có thể giúp chúng ta có được sự tập trung. “

Chúng ta kêu Danh Thánh Giê-su theo nhịp thở của chúng ta. Khi chúng ta lấy hơi  (hít vào ) chúng ta kêu “Giê” và khi chúng ta thở ra chúng ta kêu “ su”.

LUYỆN TẬP TÂM THỨC:

Thông thường mọi người gặp nhiều khó khăn trong việc cầu nguyện vì sự ồn ào và náo nhiệt trong tâm hồn. Đó là lý do tại sao trước tiên chúng ta cần tạo ra sự thinh lặng nội tâm, để chúng ta có thể đi vào cách cầu nguyện sâu hơn. Để đạt được điều này, chúng ta có thể luyện tập tâm thức. Mục đích của việc luyện tập này là nâng cao khả năng tập trung và nhạy cảm đối với thế giới xung quanh chúng ta, do đó cũng nhạy bén trước tác động của Chúa  Thánh Thần trong chúng ta. Trong việc rèn luyện  này, chúng ta có thể cảm nhận âm thanh, những đồ vật như  thánh giá,  nến, cảm nhận sự tiếp xúc của quần áo chúng ta đang mặc, làn gió nhẹ trên làn da, ý thức hơi thở của chúng ta, v.v. Việc rèn luyện này giúp chúng ta tập trung. Trong cầu nguyện Giêsu, những rèn luyện này mang lại kết quả tốt nhất nếu chỉ được sử khoảng, 2-3 phút là đủ.

CẦU NGUYỆN VÀ HƠI THỞ:

Cách cầu nguyện này có thể được thực hiện bất cứ lúc nào, trong mọi hoàn cảnh, trên xe buýt hoặc tàu hỏa, hoặc khi chúng ta làm bất kỳ công việc hàng ngày nào khác mà không cần sự tập trung đầy đủ  như lái xe, quét nhà, tản bộ, chờ bác sĩ,trên đường đi làm, đi học v.v.

Cầu nguyện Giêsu không chỉ là một thực hành bên ngoài, mà phải dẫn chúng ta đến cầu nguyện nội tâm hơn. Để đạt được điều này, chúng ta có thể đồng bộ hóa lời cầu nguyện của chúng ta với hơi thở, ví dụ, khi chúng ta hít thở, chúng ta có thể nói ‘Lạy Chúa Giêsu’ và khi chúng ta thở ra, chúng ta có thể nói ‘Xin thương xót con’.

Lời nguyện này có thể ngắn hơn: chỉ có” Lạy Chúa Giê-su“, thậm chí chỉ là tên “Giê-su “. Chúng ta kêu Danh Thánh Giê-su theo nhịp thở của chúng ta. Khi chúng ta lấy hơi  (hít vào ) chúng ta kêu “Giê” và khi chúng ta thở ra chúng ta kêu “ su”. Một cách chậm dãi chúng ta lặp đi lặp lại : “ Giê…su…Giê…su…Giê…su…

Bằng cách đồng bộ hóa lời cầu nguyện cùng với hơi thở của chúng ta, tinh thần của chúng ta sẽ lắng đọng và chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an. Tâm trí của chúng ta dễ tập trung hơn và dần dần tinh thần của chúng ta sẽ kiểm soát được suy nghĩ, những tưởng tượng và ý tưởng của chúng ta. Tinh thần của chúng ta sẽ hướng vào nội tâm và ngày càng trở nên đồng nhất, nhờ đó đạt được sự hài hòa.

NHỮNG CẢN TRỞ TRONG CẦU NGUYỆN GIÊSU:

Khi thực hành cầu nguyện Giê-su  thường xuyên chúng ta cảm thấy bản thân không thể tập trung, thân thể hiện diện ở đây, nhưng suy nghĩ của chúng ta bay đi đây đó. Điều này được gọi là sự chia trí. Một điều rất bình thường bởi vì bản tính con người vốn yếu đuối. Khi cầu nguyện Giê-su suy nghĩ chúng ta chỉ muốn quy hướng về Danh Thánh Giê-su vì vậy chúng ta cần cố gắng không ngừng để có thể vượt qua sự chia trí này. Thánh Têrêsa Avila, đấng cải tổ Dòng Cát Minh , là bậc thầy dạy về cầu nguyện nói với chúng ta về chia trí: “Những lo ra chia trí là điều không thể tránh khỏi, đừng để chúng trở thành nỗi bận tâm và buồn bực cho bạn…Đừng để ý đến ý tưởng này, và cũng đừng trách linh hồn vì trí tưởng tượng kém cỏi, bản tính nhân loại và những nguyên nhân xấu xa”( Sách Lâu đài nội tâm IV, 1, 13-14).

Khi chúng ta nhận thức chúng ta đang chia trí: hãy cố gắng bình tĩnh, đừng trở nên khó chịu với bản thân, hãy từ từ trở lại kêu tên Giê-su. Chúng ta cũng có thể mở Kinh Thánh và đọc một đoạn lời Chúa, hoặc mở mắt nhìn vào Thánh Giá hay  ảnh tượng công giáo, để giúp tập trung trở lại. Sau khi sự chia trí này biến mất, chúng ta nhắm mắt trở lại và tiếp tục kêu Danh Thánh Giê-su.

Trong tác phẩm Lâu đài nội tâm Thánh Têrêxa Avila nói rằng Thiên Chúa ngự trị trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúa đứng trước và gõ cánh cửa cánh tâm hồn của chúng ta (Kh 3,20). Để gặp được Thiên Chúa, chúng ta phải đi vào tâm hồn mình. Chúng ta chỉ có thể làm điều này nếu chúng ta loại bỏ khỏi tâm hồn tất cả trước những cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, thù hận, cảm giác sai trái, ghen tị… Chúng ta không được phép tìm kiếm sự trợ giúp qua bùa ngải, học phép thuật  tự vệ và có bất kỳ mối quan hệ nào với các  quyền lực bóng tối / thầy pháp / bói toán. Để đạt được sự bình an nội tâm, chúng ta phải mở tâm hồn với Chúa, sám hối, ăn năn và đón nhận ân sủng, lòng thương xót của Thiên Chúa.

ĐỘNG LỰC CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện Giêsu nên là một sự dâng hiến chân thành của chúng ta cho Thiên Chúa, bằng cách tự do dâng hiến  thời giờ của chúng ta cho Thiên Chúa, bởi vì như Thánh Têrêsa Avila đã nói : “ Thiên Chúa xứng đáng được chúng ta yêu mến bởi vì chính ngài “.

Mục đích của việc cầu nguyện là đặt mình trước Thiên Chúa, Đấng chúng ta hằng  khao khát. Ngay cả khi giờ cầu nguyện của chúng ta có khô khan, nhưng giờ cầu nguyện đó rất giá trị vì trong sự thinh lặng Thiên Chúa mặc khải  chính mình Ngài một cách thầm kín, Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu, sự khôn ngoan của Ngài vào tâm hồn chúng ta, để đến một lúc nào đó tâm hồn chúng ta sẽ cháy lửa lửa yêu mến Thiên Chúa. Động lực cầu nguyện của chúng ta càng trong sáng, lời cầu nguyện của chúng ta càng đẹp lòng Thiên Chúa.

NHỮNG BIỂU HIỆU THỈNH THOẢNG XUẤT HIỆN KHI CẦU NGUYỆN

Trong khi chúng ta đang cầu nguyện Giêsu có thể xuất hiện các dấu hiệu, chẳng hạn như: cơ thể lắc lư về phía trước / phía sau / sang một bên, chúng ta có thể thấy ánh sáng / tia sáng, chúng ta có thể thấy một số thị kiến, bàn tay run rẩy, chúng ta có thể cảm thấy rằng Chúa Giêsu ôm lấy chúng ta, chảy nước mắt, cảm giác nóng hoặc lạnh trong cơ thể, v.v … Nếu những biểu hiện này xảy ra khi chúng ta vào trong sự tập trung cao độ của cầu nguyện: Không cần phải sợ, chúng ta hãy cứ bình tĩnh , cố gắng kiểm soát , nếu không thể hãy cứ để như vậy và không cần chú ý nhiều đến những biểu hiện đó.

Chúng ta không nên quan tâm đến những trải nghiệm này. Chúng ta không được tìm kiếm những trải nghiệm như vậy trong cầu nguyện. Nếu chúng ta trải nghiệm một trong những dấu hiệu này trong  cầu nguyện Giêsu, thì chúng ta nên tạ ơn Chúa; Nếu không cảm nhận được điều gì chúng ta vẫn cám ơn Chúa, bởi vì trong cẩu nguyện chúng ta không tìm kiếm sự an ủi hay bất kỳ trải nghiệm nào, chúng ta chỉ tìm kiếm chính Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong tâm hồn chúng ta như Thánh Têrêsa Avila đã nói rằng :” Trong cầu nguyện, điều quan trọng không phải là nghĩ nhiều về Chúa nhưng là yêu mến nhiều.”

Một người hỏi Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta : Bí quyết cầu nguyện của mẹ là gì ? Mẹ trả lời : “ Tôi không có bí quyêt nào cả, khi cầu nguyện tôi yêu mến Chúa.”

HOA TRÁI CỦA CẦU NGUYỆN GIÊSU:

Nếu kiên trì và trung thành trong cầu nguyện Giê-su chúng ta sẽ nhận được nhiều hoa trái :

  1. Giúp những người mới bắt đầu giải thoát bản thân khỏi những dao động của tâm trí và giúp tập trung sự chú ý của họ.
  2. Mang đến sự tịnh tâm và bình an trong tâm hồn và trút bỏ những gánh nặng của cuộc sống.
  3. Cầu nguyện Giêsu  khôi phục sự toàn vẹn của con người: Vì tội nguyên tổ, mối tương quan của con người và Thiên Chúa bị phá vỡ, con người khó tập trung suy nghĩ hướng về Thiên Chúa, bản chất của con người bị tổn thương, tâm trí và linh hồn rơi vào tình trạng không hàihòa, tâm trí không thể tập trung, cảm xúc luôn thay đổi (đau khổ, bị tổn thương, hận thù) và ý chí trở nên yếu nhược. Trong Truyền thống Giáo hội Đông phương, Danh Giêsu không chỉ dừng lại ở trong tâm trí mà phải đi vào tâm hồn. Do đó, bằng cách lặp lại Danh Giêsu trong tâm trí với một tâm hồn hướng về Thiên Chúa, chúng ta sẽ dần dần khôi phục sự toàn vẹn của con người chúng ta trở lại, sự chú ý và khả năng tập trung của chúng ta sẽ được phát triển cùng với trí nhớ của chúng ta ngày càng được tăng cường.
  4. Cầu nguyện Giêsu có thể giúp chúng ta nhạy cảm hơn với những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần:Nếu tâm hồn và tâm trí của chúng ta tĩnh lặng  và bình an, chúng ta sẽ dễ dàng nghe được tiếng Chúa. Một người càng mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, thì hiển nhiên sẽ càng nhận được nhiều các hoa trái của Ngài trong cuộc sống thường ngày (Gl 5:22)
  5. Cầu nguyện Giêsu cũng ảnh hưởng đến thể lý của chúng ta: Hít &Thở thường xuyên một cách đều đặn sẽ có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Nhiều trường hợp khi cầu nguyện Giê-su đã được Thiên Chúa chữa lành khỏi bệnh tật thế lí và tinh thần, đặc biệt với những bệnh về tâm thần. Bởi vì nơi đâu chúng ta kêu cầu danh thánh Giê-su ở nới đó quyền năng của Thiên Chúa sẽ tỏ lộ. Vì thế không ngạc nhiên khi xảy ra sự chữa lành khi cầu nguyện Giê-su.
  6. Giúp biến đổi đời sống, ngày một nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su: Quá trình này có thể so sánh với việc làm trứng muối, lúc đầu người ta lấy trứng bình thường đem ngâm trong dung dịch muối hay  đá trộn với muối, sau đó vị mặn sẽ từ từ ngấm vào trứng nên trứng trở nên mặn. Tương tự như vậy, bằng cách liên tục kêu cầu danh Chúa Giê-su, luôn luôn gọi tên Giê-su, quy hướng tâm trí về Chúa Giê-su, thì dần dần chúng ta sẽ được biến đổi và trở nên đồng hình đồng dạng vời  Ngài. Đồng thời giúp chúng ta luôn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ làm chúng ta no thoả và cảm nghiệm sự ngọt ngào của vinh quang thiên đàng ngay từ đời này. Chúng ta sẽ được giải thoát khỏi mọi lo âu và sẽ có đủ sức chịu đựng những gánh nặng cũng như những thập giá trong cuộc sống. Tâm trí của chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn  ánh sáng thiên đàng  để chúng ta có thể hiểu và thấm nhuần những mầu nhiệm về Thiên Chúa trong Kinh Thánh cũng như trong chương trình của Chúa qua cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
  7. Cầu nguyện Giê-su là phương tiện đưa chúng ta tiến vào chiêm niệm:

Nếu chúng ta kiên trì và trung thành trong  cầu nguyện Giêsu, thì cách cầu nguyện này sẽ từ từ đưa chúng ta vào chiêm niệm, bởi vì linh hồn sẽ quen với việc hoàn toàn quy hướng về sự hiện diện của Chúa Giêsu. Dần dần chúng ta sẽ ít chia trí hơn, thậm trí những chia trí này  sẽ biến mất. Tâm hồn của chúng ta sẽ đi sâu vào sự thinh lặng và chúng ta sẽ cầu nguyện trong Thần Khí và Sự Thật . Để phát triển tâm linh, thinh lặng rất cần thiết. Trong thinh lặng, chúng ta có thể trải nghiệm sự chữa lành khỏi những rối loạn tâm lý và một cuộc sống vô nghĩa trong quá khứ, chúng ta được giải thoát khỏi những ràng buộc tội lỗi  và chúng ta sẽ cảm nghiệm tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa.

Thực sự trong đời sống cầu nguyện, chúng ta có thể khao khát chiêm niệm, như Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: trong cầu nguyện, chúng ta không được tìm kiếm một số cảm nghiệm tâm linh, an ủi thiêng liêng , mặc khải, hoặc lời nói bên trong nội tâm; nhưng trong cầu nguyện, chúng ta có thể khao khát ơn chiêm niệm.

Nếu chúng ta chỉ tìm kiếm một số trải nghiệm tâm linh, những an ủi thiêng liêng, những mặc khải, những thị kiến hoặc lời nói trong nội tâm, thì điều này có thể được hiểu như thể chúng ta chỉ tìm kiếm những món quà từ Thiên Chúa, chứ không tìm kiếm Thiên Chúa, là người ban tặng những món quà đó.

Trong khi đó, bằng cách khao khát ơn chiêm niệm, chúng ta khao khát và hy vọng được nhận biết và yêu mến Thiên Chúa một cách thuần khiết hơn, và chúng ta được mở ra để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ thanh tẩy và chuẩn bị cho chúng ta đạt tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa  trong đức tin và tình yêu cho đến khi nên một với Thiên Chúa.

THINH LẶNG VÀ CHIÊM NGẮM :

Nếu đôi khi chúng ta bị thu hút vào thinh lặng mà không sử dụng từ ngữ, chúng ta phải làm theo sự thúc đẩy này mà không cần lăp lại “Giêsu”, với điều kiện là chúng ta ý thức được sự hiện diện của Chúa trong sự thinh lặng này. Đừng sợ thinh lặng khi không làm gì cả, đừng sợ sự vô vị , bởi vì sự thinh lặng này có giá trị hơn bất kỳ hoạt động nào của tâm trí, trí nhớ hoặc ý chí. Quả thật ta đừng quên rằng nếu việc cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, cuộc đối thoại này có thể thinh lặng. “Lạy Thiên Chúa , thinh lặng đối với Ngài là lời ca tụng.” Theo bản dịch Híp-ri (Tv 65,2). Cha Marie Eugenne tác giả Tôi muốn thấy Thiên Chúa khẳng định như sau :” Đối với người thiêng liêng đã cảm nếm Thiên Chúa, thì thinh lặng và Thiên Chúa đồng hóa với nhau. Vì Thiên Chúa nói trong thinh lặng, và dường như chỉ có thinh lặng mới diễn tả được Thiên Chúa”. Chính trong sự thinh lặng này, Thần Khí Thiên Chúa có thể thanh tẩy và giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc mà không gặp trở ngại, và tuôn đổ sự khôn ngoan vào tâm hồn ta. Không thể hiểu được cách mà  Thiên Chúa sẽ gia tăng các nhân đức cho ta.

Cầu nguyện Giêsu dẫn một người đến chiêm ngắm .Từ “ Chiêm ngắm “bắt nguồn  từ chữ “contemplare” có nghĩa là nhìn lên Thiên Chúa trong một thái độ thờ phượng và tôn kính. Đấng mà chúng ta tôn kính  là Thiên Chúa và những mầu nhiệm của Người. Chúng ta nhìn Ngài với đức tin, trầm trồ thán phục và nhận ra sự cao cả và vinh quang của Ngài, đến nỗi chúng ta không thể tìm thấy ngôn từ nào nào nữa và thái độ đúng đắn duy nhất là đầu phục, thờ phượng và mở lòng ra với Ngài. Hãy để Thiên Chúa thực hiện trên chúng ta những dự định, những ý muốn của Ngài.

THỰC HÀNH CẦU NGUYỆN GIÊ-SU

1. Cầu nguyện Giê-su có thể được thực hiện vào những thời điểm đặc biệt, vào cùng một thời điểm và địa điểm.

Khi mới bắt đầu chúng ta có thể cầu nguyện 20 phút mỗi ngày, sau đó có thể tăng dần lên từ 30 phút đến 1 giờ. Chúng ta cầu nguyện vào cùng 1 thời gian giúp chúng ta rèn luyện tính kỷ luật, để không trì hoãn thời gian cầu nguyện. Sau đó, chúng ta cầu nguyện ở cùng một nơi, chẳng hạn nếu khả năng có thể làm phòng cầu nguyện tại nhà, nhưng nếu không thể thì có thể chuẩn bị nơi cầu nguyện với thánh giá hoặc hoặc các tranh ảnh tượng công giáo. Chúng ta làm điều này để tạo ra bầu không khí sự hiện diện của Thiên Chúa trong nhà của chúng ta.

2. Cầu nguyện Giê-su là một phương tiện hữu hiệu giúp ta sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa suốt cả ngày, vì vậy hãy cầu nguyện liên tục, chẳng hạn khi đang đi bộ, trước khi đi ngủ hoặc sau khi thức dậy, lúc tắm, khi nấu ăn, may vá, khi lao động chân tay, trên đường đi làm việc, trên đường đi họ, hoặc khi đang nằm trên giường bệnh…

Một cách chậm dãi chúng ta sẽ luôn ý thực sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta . Danh Giê-su tiếp tục vang lên trong tâm trí, trong tâm hồn chúng ta theo từng bước chân , từng nhịp thở của chúng ta. Chúng ta có thể bước theo Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su để luôn tưởng nhớ đến Chúa: “Không bao giờ quá ba phút mà em không tưởng nhớ tới Chúa.” “ Người yêu thực sự yêu mọi nơi và luôn luôn nghĩ đến người mình yêu ! khó có thể thực hiện điều đó nếu như chúng ta chỉ có thể cầu nguyện khi vào một góc nào đó. Mỗi ngày chúng ta phải học lại để biết cho Thiên Chúa chỗ nhất để nhận mọi sự từ Lòng Thương Xót của Ngài. Như Thánh Phê-rô ngày xưa , Ngài hỏi chúng ta : “ Anh có mến Thầy không “( Ga 21,17). Nếu như càng ngày chúng ta càng quen sống có Thiên Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta , chúng ta sẽ ngày càng tiến vào tình mật thiết với Thiên Chúa, lúc đó chúng ta sẽ làm mọi việc vì yêu mến và đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên chúa sẽ không bao giờ rời xa chúng ta, trong mọi thử thách Ngài sẽ luôn nâng đỡ, và chúng ta sẽ gặp Người khắp mọi nơi. Và như thế chúng ta có thể thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa là yêu mến Chúa hết linh hồn , hết trí khôn…

TƯ THẾ TRONG CẦU NGUYỆN GIÊSU:

Chúng ta hãy chọn cho mình một thư thế cầu nguyện xứng đáng và phù hợp với mỗi người. Dưới đây là một vài tư thế ngồi, tư thế tay phổ biến trong cầu nguyện Giê-su nhằm hỗ trợ chúng ta có thể tập trung hơn trong cầu nguyện :

  1. Ngồi trên ghế / gối / đệm hoặc khoanh chân.

2. Ngồi khoanh chân và ngồi xếp chân.

Cố gắng giữ lưng thẳng và nhìn về phía trước.

3. Tư thế tay:

Đặt hai tay lên đùi với lòng bàn tay mở lên hoặc úp xuống.

– Lòng bàn tay mở ra bày tỏ thái độ mở lòng ra với Chúa để đón nhận ân sủng của Ngài.

– Lòng bàn tay úp xuống bày tỏ thái độ đầu phục, khiêm hạ của chúng ta trước Thiên Chúa.

– Tay đan lại : Tư thế thông thường khi cầu nguyện.

4. Nhắm mắt lại.

5. Hít thở bình thường.

Chuyên đề

Xem tiếp...